"Có một thực trạng là nhiều người đi xe máy leo lên vỉa hè luôn biện minh cho hành vi vi phạm của mình là do bị ôtô chiếm mất làn của mình. Nhưng xin thưa phần lớn đường nội đô đều là làn hỗn hợp, tức cả ôtô lẫn xe máy đều được đi, ai tới trước thì đi trước, chứ chẳng có gì là giành đường của nhau ở đây cả. Ôtô nếu đi sai làn thì còn bị phạt nặng hơn cả xe máy, nên tôi có thể đảm bảo là đa số người đi xe hơi không dám chiếm làn xe máy (nếu đường có phân làn rõ ràng).
Thực tế, ở chỗ tôi, trên đường đi làm, tôi quan sát thấy dù đường thông, hè thoáng, nhưng nhiều người đi xe máy vẫn leo lên vỉa hè để đi cho nhanh. Lâu dần, trong đầu họ hình thành nên thói quen leo lề bất cứ lúc nào, dù đường rộng thênh thang. Thói quen chính là thứ hun đúc nên ý thức".
Đó là quan điểm của độc giả Trunksleessj về những tranh cãi xung quanh ý kiến cho rằng "người đi xe máy leo lên vỉa hè do bị ôtô giành đường". Từ 1/1/2025, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan) sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị trừ điểm giấy phép lái xe thêm 2 điểm.
Sau hai tuần áp dụng quy định mới, nhiều trường hợp đi xe máy trên vỉa hè bị lực lượng CSGT phát hiện và xử phạt. Không ít người trong số đó lấy lý do "đường đông, ôtô chặn hết lối đi nên buộc phải leo lên lề đường". Phản đối lập luận này, bạn đọc Thiên Hạo phân tích: "Đường sá chật hẹp hay ôtô đỗ sai, đi sai làn thì sẽ có cơ quan chức năng xử phạt. Còn nếu các bạn cho rằng xe máy phải được chạy bên phải, vượt phải ôtô thì đó là sai luật.
Nhiệm vụ của người tham gia giao thông là giữ khoảng cách với xe phía trước, đủ an toàn mới được vượt, còn không thì phải xếp hàng phía sau. Không thể lấy cớ đường đông, đường hẹp, bị ôtô chắn lối đi để cho mình cái quyền leo lên vỉa hè".
>> 'Rùa bò' qua ngã tư bỏ đếm giây đèn giao thông
Ủng hộ quan điểm trên, độc giả Dũng Trần nhấn mạnh: "Nếu là làn hỗn hợp thì xe máy đến sau phải đi sau. Còn nếu là làn dành riêng cho xe máy, xe thô sơ, thì ôtô đi vào sẽ bị phạt. Không có lý do gì xe máy mặc định có quyền vượt ôtô ở làn hỗn hợp cả. Nếu người lái ôtô lịch sự thì họ có thể nhường đường cho xe máy, còn nếu không thì các bạn phải chịu xếp sau. Tôi là người chủ yếu đi xe máy và vẫn phải chấp nhận như vậy".
"Xe máy leo vỉa hè để đi cho nhanh nhưng cuối cùng vẫn phải chen ngược xuống lại lòng đường, gây xung đột với các xe khác, nên cơ bản chỉ là ăn cắp đường và thời gian của những người đi đúng luật mà thôi. Ôtô hay xe máy cũng vậy, ai đến trước đi trước, ngăn nắp trật tự, xếp hàng quy củ. Tiếc rằng, văn hóa xếp hàng này ở Việt Nam vẫn còn lạ lẫm với số đông", bạn đọc Đi Ngang Qua nói thêm.
Độc giả Nghinguyen kết lại: "Nhiều người đi xe máy cứ đổ lỗi cho ôtô giành đường, mà quên mất một điều là nếu ôtô đi sai làn họ cũng sẽ bị phạt, và thậm chí mức phạt còn nặng hơn xe máy nhiều lần. Các bạn không thể biện minh rằng 'tôi vi phạm vì người khác vi phạm được'. Làm vậy sẽ không có luật nào đi vào thực tế được cả".
- Vi phạm đầy đường Hà Nội dù tăng nặng mức phạt
- Hành trình 10 ngày đóng tiền phạt nguội vi phạm giao thông
- 'Phạt cảnh cáo với người vi phạm giao thông lần đầu để tránh gây sốc'
- Đi ngược chiều để đón con nhưng than thở tiền phạt nặng
- Tôi bị dí còi đòi vượt khi lái xe 57 km/h trên đường 60 km/h
- Nỗi sợ bị phạt oan 5 triệu đồng vì vượt đèn vàng