Từ khi áp dụng thí điểm bỏ đếm giây đèn giao thông tại một số giao lộ, cùng quy định cấm vượt đèn vàng, tôi thấy việc lái xe trở nên khó khăn hơn. Quy định mới yêu cầu phương tiện phải dừng trước vạch khi đèn vàng. Nói thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó. Trường hợp thấy đèn vàng từ xa thì đơn giản, chỉ cần thắng lại sao cho dừng trước vạch là xong.
Tuy nhiên, khi xe còn cách vạch dừng dưới một mét thì câu chuyện trở nên rất khác. Trong tích tắc, tài xế phải đưa ra lựa chọn: hoặc thắng gấp và chấp nhận nguy cơ bị tông từ phía sau, hoặc chạy luôn với nguy cơ phạt 18-20 triệu đồng và bị giữ bằng lái.
Nhiều chuyên gia đưa bằng chứng nước ngoài cũng bỏ đếm giây từ lâu, nhưng lại vô tình bỏ qua yếu tố đèn vàng được phép chạy tiếp. Cách hoạt động nào của đèn giao thông cũng có ưu và nhược điểm. Kiểu đếm số sẽ giúp tài xế chủ động hơn, đến giao lộ mà thấy đèn xanh còn dài thì sẽ yên tâm chạy tiếp, giúp cho lưu thông thông suốt và hạn chế ùn ứ. Những ai láo nháo cố tình vượt đèn sẽ phải trả giá đắt. Còn kiểu mới không đếm giây và cấm vượt đèn vàng thì ai đến giao lộ dù thấy đèn xanh cũng rén.
Nhưng, trên có chính sách, dưới có đối sách. Sau quy định mới, tôi thấy trên các diễn đàn mạng, các tài xế kháo nhau cách ứng phó là chạy chậm tối đa, nhích từng chút đến khi qua vạch mà đèn vẫn xanh thì mới chạy tiếp; hoặc chờ lượt xanh kế tiếp mới chạy cho chắc ăn. Và như vậy, e rằng giao thông sẽ ùn ứ dài dài.
>> 'Cần vùng xanh cho tài xế lỡ vượt đèn vàng'
Theo quy định, khi thấy đèn vàng, tài xế phải dừng trước vạch, trừ trường hợp sát vạch hoặc nguy hiểm nếu dừng lại. Có thể hiểu đèn vàng chính là đèn cảnh báo sắp đèn đỏ, các phương tiện phải chạy sao cho mình không vượt đèn đỏ, chứ không phạt. Nếu cấm tuyệt đối vượt đèn vàng như hiện nay, thì đèn vàng có khác gì đèn đỏ?
Có tiến sĩ chỉ ra rằng, khi thấy đèn vàng thì thời gian phanh tối thiểu để dừng lại là ba giây. Nhưng khi xe đã ở sát vạch rồi thì lấy đâu ra ba giây? Quy tắc giao thông luôn phải báo trước khi thay đổi: chuyển làm, chuyển hướng phải báo trước; đường cấm, công trường phải có biển báo từ xa; dừng xe khẩn cấp ngoài đèn hazard còn phải đặt cảnh báo từ xa... Vậy nên, đèn giao thông cũng nên có đếm giây cảnh báo thay vì chuyển ngay.
Theo tôi, nên quy định thành hai trường hợp: Nếu đèn không đếm giây thì cho phép tài xế vượt đèn vàng như theo công ước Vienna. Nếu đèn có đếm giây thì cấm vượt đèn vàng như hiện tại. Hy vọng ngành giao thông sẽ có thêm những nghiên cứu, khảo sát để có những điều chỉnh thích hợp, giúp cho lưu thông trở nên thông suốt hơn và giúp cho tài xế yên tâm khi qua các giao lộ có đèn tín hiệu.
TP HCM thí điểm bỏ đếm thời gian trên đèn tín hiệu ở 4 giao lộ lớn để theo dõi hành vi, hình thành thói quen cho người đi đường và tổ chức giao thông phù hợp, gồm: Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu - Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8, Mai Chí Thọ - Tố Hữu. Chốt đèn tín hiệu giao thông ở những nút giao trên thay vì đếm lùi thời gian về số 0 như bình thường sẽ chỉ hiển thị màu xanh, vàng và đỏ theo từng chu kỳ.
- Tài xế lo bị phạt nặng vượt đèn đỏ vì bỏ đếm giây
- 'Bỏ đếm giây sẽ mang lại hiệu quả tích cực'
- 'Cơn hỗn loạn khi đèn giao thông còn năm giây'
- Bỗng nhiên gặp họa vì người phụ nữ cố vượt bốn giây đèn xanh
- Chờ 100 giây đèn đỏ không dám tắt máy vì bỏ đếm ngược
- Tôi ngạc nhiên khi người Nhật nhấn ga vượt đèn vàng