Theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh quốc gia, từ năm 2009-2023, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó đa số là lực lượng đang trong độ tuổi lao động, gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội. Đó là một con số lớn. Quan sát xung quanh chỗ mình ở, từ làng quê đến thành phố, tôi dễ nhận thấy có ít nhất một vài người chết hoặc bị thương vì tai nạn giao thông.
Nguyên nhân gây ra tai nạn thì nhiều. Chẳng hạn hạ tầng chưa đạt yêu cầu. Ví dụ QL 20 đoạn từ Đồng Nai lên Lâm Đồng có chỗ mỗi bên chỉ 1,5 làn xe, quá hẹp! Nhưng theo tôi nguyên nhân lớn nhất là cách chúng ta lái xe trên đường. Người ta không sai khi nói "nhìn vào văn hóa giao thông cũng có thể đánh giá được văn hóa của một xã hội".
Tôi thấy "tùy tiện" là từ phù hợp nhất khi mô tả cách đi trên đường của nhiều người Việt. Tiện đâu dừng đó, tiện đâu đi đó, bất chấp đó là cao tốc hay vỉa hè, đường hẹp hay rộng, đường cấm hay không, đường một hay hai chiều... Cho nên, gần đây, khi xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh trong một nhịp đèn mà có đến 162 phương tiện vượt đèn đỏ ngay tại trung tâm Hà Nội, bản thân tôi không quá bất ngờ.
>> Tôi bị dí còi đòi vượt khi lái xe 57 km/h trên đường 60 km/h
Trong thời gian qua, chúng ta liên tục thấy sau các vụ va chạm giao thông, người ta sẵn sàng lao vào "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với nhau, khiến đối phương bị chấn thương, nhập viện, thậm chí có nạn nhân còn bị chết não, tử vong. Từ bao giờ chúng ta coi vi phạm giao thông là chuyện bình thường như cân đường, hộp sữa như vậy? Từ bao giờ chúng ta xé nát luật pháp, lương tâm, tình người vứt vào sọt rác để cư xử với nhau bằng bạo lực và sự vô văn hóa như vậy?
Từ bao giờ chúng ta chỉ lấy "miếng cơm manh áo" ra để tự bao biện cho việc đi ẩu, đi sai... khi tham gia giao thông? Từ bao giờ các bậc cha mẹ đốc thúc con học cho tốt để vào trường ngon trường điểm, nhưng cũng chính các bậc cha mẹ đó giao xe cho con chưa đủ tuổi chạy trên đường hay chở con mà cả nhà đầu trần rồi đi ngược chiều trên đường? Pháp luật nào bỏ qua, cảm thông với các lỗi như thế?
Cho nên, tôi ủng hộ việc tăng nặng gấp nhiều lần mức phạt đối với các vi phạm giao thông. Lịch sử các nước đều ghi nhận rằng, để có xã hội văn minh thì pháp luật trước hết phải nghiêm. Có thể thấy gần với ta có Singapore rất sạch, giao thông rất bài bản, tất cả là do ý thức của mỗi người dân. Mà ý thức này có được là nhờ vào chính sách pháp luật cực kỳ nghiêm khắc. Với những nước có nền tảng xuất phát từ lối sống nông nghiệp, chỉ gần đây mới từ làng lên phố như Việt Nam, thì việc dùng luật nghiêm khắc là đúng, nên làm.
Trở lại Biên Hòa, nơi tôi đang sống, tình hình giao thông ở đây cũng rất hỗn loạn. Tôi xin lấy hai ví dụ để mọi người hiểu rõ nhận định này: Một là ngay trước cổng các trường điểm là tiểu học Trịnh Hoài Đức và THCS Trần Hưng Đạo, ngay sát ngã ba Vườn Mít. Giờ tan học hầu như khu vực này luôn kẹt cứng, vì phụ huynh thản nhiên đi ngược chiều, dừng đỗ ôtô la liệt để chờ đón con...
Hay đường 30-4, đoạn từ ngã ba Vườn Mít đến công viên Biên Hùng, dù vạch phân cách là vạch liền vàng, nhưng người ta vẫn cứ băng qua đường, đè vạch thường xuyên. Thỉnh thoảng còn có xe vượt trái. Người ta qua đường trên đoạn này nhiều đến nỗi có lần tôi nghi ngờ chính hiểu biết của mình quy định giao thông: liệu có phải vạch vàng kẻ liền chỉ cấm đè khi chạy tới, chứ không cấm băng qua đường? Đọc lại luật, tôi thấy không phải, bởi vạch này "để nhấn mạnh mức độ nguy hiểm, không được lấn làn, không được đè lên vạch".
Điều này chứng tỏ rất nhiều người trong chúng ta xem thường luật pháp, bất chấp sai phạm, chỉ thấy tiện cho mình là đi. Tôi mong rằng với quy định xử phạt mới (Nghị định 168) được áp dụng, từ nay, người Việt sẽ văn minh hơn khi ra đường, góp phần giúp giao thông an toàn hơn.
- 'Không nên phạt lỗi vượt đèn vàng'
- 'Chỉ nên bỏ đếm giây đèn đỏ'
- Tài xế lo bị phạt nặng vượt đèn đỏ vì bỏ đếm giây
- Tôi lái ôtô bất lực vì đám đông chen ngang
- 'Ý thức tài xế ôtô chẳng hơn gì người đi xe máy'
- 'Bỏ đếm giây sẽ mang lại hiệu quả tích cực'