Mấy ngày qua, theo dõi các bình luận dưới những bài viết về việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần với các lỗi vi phạm giao thông, thôi thấy có vẻ như nhiều người vẫn chưa hiểu thực sự đúng về ý nghĩa, cách sử dụng đúng của đèn giao thông, đặc biệt là đèn vàng. Đương nhiên, tôi xin phép không bàn tới những đèn tín hiệu gặp trục trặc vì chính cơ quan chức năng cũng khẳng định sẽ không xử phạt tại các khu vực này.
Hiện nay, tôi thấy nhiều người có suy nghĩ rằng khi đèn vàng bật lên mà tài xế đè vạch thì sẽ bị coi là vượt đèn vàng. Điều này là không đúng với quy định của Luật giao thông đường bộ. Chỉ cần gõ từ khóa trên Google, chúng ta có thể dễ dàng tra được kết quả như sau:
"Tín hiệu đèn màu vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn chuyển vàng thì người lái xe được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định..."
Trong bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT Báo hiệu đường bộ, tại mục 10.3, ý nghĩa của đèn tín hiệu có ghi "Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng, nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp".
Điều này có nghĩa là nếu người điều khiển phương tiện không đủ khoảng cách dừng an toàn thì việc đè vạch khi đèn vàng cũng vẫn được chấp nhận, giống như quy định ở nhiều nước khác.
Thế khi nào người lái xe bị phạt lỗi vượt đèn vàng? Đó là khi họ có đủ điều kiện thời gian, khoảng cách... nhưng vẫn cố ý không dừng xe dù thấy đèn vàng đã sáng. Thực tế, việc có cố ý vượt hay không thì chính người tham gia giao thông là biết rõ nhất. Còn CSGT sẽ dựa vào thời gian, khoảng cách... để kết luận xem người nào đó có hành vi vượt đèn vàng hay không?
>> Nơm nớp lo bị phạt oan vì dính 'bẫy đèn đỏ'
Ví dụ thế này cho dễ hiểu, nếu đoạn đường cho phép bạn chạy 60 km/h, khi tới gần giao lộ bạn giảm tốc xuống còn 58 km/h (tương đương 16 m/s). Giả sử thời gian đèn vàng là 3 giây, tức là nếu đèn chuyển vàng khi bạn cách vạch dừng 48 m mà bạn vẫn không chịu dừng xe thì sẽ bị phạt.
Có bạn bảo rằng, đã bị chụp ảnh đè vạch khi đèn vàng, nộp phạt rồi nhưng vẫn ấm ức vì thấy mình bị oan. Tôi cho rằng, đó là do bạn chưa hiểu đúng, hiểu đủ về quy định đèn vàng nên mới không cãi được. Tất nhiên, nếu chỉ có ảnh chụp thôi thì không thể chứng minh lỗi bạn vượt đèn vàng được, ít nhất phải có video. Có video bạn vượt đèn vàng nhưng cũng chưa chắc bạn đã có lỗi vì phải xem xét thời điểm đèn chuyển vàng, bạn có đủ khoảng cách an toàn để dừng xe không. Những cái đó, CSGT chắc chắn sẽ phải đánh giá rất kỹ trước khi ra quyết định xử phạt. Nếu bạn đủ lý lẽ để chứng minh mình không sai thì cứ việc khiếu nại dựa trên bằng chứng khoa học nói trên.
Vậy cách xử lý thế nào khi tới giao lộ mà gặp đèn vàng? Có nhiều người cho rằng, khi tới giao lộ, cứ giảm tốc độ về 15-20 km/h rồi chạy tà tà thì sẽ không sao. Nhưng có người phản bác lại rằng "nếu xe cách vạch dừng 20 cm mà đèn nhảy vàng thì phải làm thế nào? Nhỡ ùn ứ ở giao lộ thì tính sao?". Tôi nghĩ rằng, chỉ những người hiểu không đúng mới lo sợ "bò" qua giao lộ như thế. Đôi khi, vội vàng phanh gấp khi thấy đèn vàng hiện lên còn gây va chạm liên hoàn với xe phía sau.
Cách xử lý đúng thực ra rất đơn giản: Đỏ dừng, xanh đi, vàng dừng (nếu đảm bảo an toàn) hoặc đi tiếp để thoát giao lộ (nếu không an toàn). Nếu nhớ kỹ nguyên tắc này thì chúng ta sẽ không còn phải lo sợ khi đèn "đột ngột" chuyển vàng nữa. Thay vào đó, mọi người sẽ thấy rằng, việc đèn chuyển vàng là điều hết sức bình thường. Thay vì giật mình bóp phanh gấp, chúng ta chỉ cần bóp nhẹ phanh để quan sát, nếu cảm thấy không đủ khoảng cách an toàn để dừng thì đi tiếp để thoát khỏi giao lộ.
Tất nhiên, vấn đề của cơ quan quản lý giao thông là phải điều chỉnh hợp lý thời gian đèn tín hiệu để phương tiện có thể thoát khỏi giao lộ. Bất cập này là lý do nhiều người cứ còn 2-3 giây đèn xanh là đã phải dừng lại bởi vì "có đủ thời gian để kịp thoát khỏi giao lộ đâu", khiến tốc độ lưu thông bị giảm xuống. Về điều này tôi nghĩ sẽ được giải quyết triệt để bởi hai giải pháp: mức phạt đủ sức răn đe và tính toán lại thời gian cho phương tiện thoát khỏi giao lộ.
Thời gian thoát khỏi giao lộ là thời gian tính từ lúc đèn bên này chuyển đỏ (vàng chuyển đỏ) cho tới khi đèn bên kia chuyển xanh (đỏ chuyển xanh). Nếu như thời gian đèn vàng phụ thuộc và tốc độ tối đa mà đoạn đường cho phép thì thời gian thoát khỏi giao lộ này phụ thuộc vào tốc độ thực tế trên giao lộ. So với giao lộ vắng vẻ, nơi mọi người có thể qua giao lộ với vận tốc 50 km/h, thì đối với giao lộ đông đúc, nơi dòng xe chỉ nhích với vận tốc 20 km/h, thời gian cần thiết để thoát khỏi giao lộ sẽ nhiều hơn. Nếu tính toán hợp lý, tôi nghĩ sẽ phần nào giải quyết được xung đột giữa các dòng phương tiện.
>> 'Cần vùng xanh cho tài xế lỡ vượt đèn vàng'
Theo quy định, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ khi vào giao lộ, nhưng giảm bao nhiêu thì lại chưa được đề cập chi tiết. Đoạn đường cho phép chạy 60 km/h thì ta nên chạy với vận tốc bao nhiêu khi vào giao lộ? Theo tôi, điều này phụ thuộc vào tình trạng của mỗi giao lộ. Với giao lộ đông xe thì nên chạy chậm, còn với giao lộ vắng thì cứ đảm bảo tốc độ cho phép là được.
Ở đây, tôi cho rằng, số người ý thức kém không nhiều bằng những người thiếu trang bị kiến thức toàn diện về luật giao thông. Những bạn thiếu ý thức thì đã có mức phạt cao răn đe, còn lại tất cả chúng ta cũng nên tự tìm hiểu và trang bị thêm kiến thức về luật. Như vậy, giao thông mới được cải thiện theo hướng hiệu quả và an toàn hơn được.
- 'Bỏ đếm giây sẽ mang lại hiệu quả tích cực'
- 'Cơn hỗn loạn khi đèn giao thông còn năm giây'
- Bỗng nhiên gặp họa vì người phụ nữ cố vượt bốn giây đèn xanh
- Chờ 100 giây đèn đỏ không dám tắt máy vì bỏ đếm ngược
- Tôi ngạc nhiên khi người Nhật nhấn ga vượt đèn vàng
- 'Đếm giây trên đèn giao thông khiến tắc đường thường xuyên'