Hôm rồi, tôi đang chạy xe máy trên đường thì bất ngờ bị CSGT ra hiệu lệnh yêu cầu tấp xe vào lề. Sau khi được thông báo lỗi vi phạm, tôi mới phát hiện bản thân đội mũ bảo hiểm không đúng loại dành cho xe máy. Mũ của tôi chỉ dành cho người đi xe đạp.
CSGT yêu cầu tôi lấy giấy tờ ra kiểm tra để lập biên bản. Thấy trong túi giấy tờ của tôi có hai bằng lái thẻ nhựa (một bằng lái ôtô, một cái hết hạn đã bị cắt góc tôi giữ làm kỷ niệm và cái kia thì mới đổi), mà tôi lại đưa cái bằng lái xe máy loại giấy đã cũ mèm, CSGT hỏi: "Sao anh có nhiều bằng lái vậy?".
Rồi CSGT lấy điện thoại ra tra cứu, kiểm tra thông tin và xác nhận bằng của tôi là bằng thật. Sau đó, tổ công tác tiến hành lập biên bản về lỗi vi phạm của tôi. Chứng tỏ, lực lượng chức năng bây giờ có cơ sở dữ liệu để kiểm tra rất nhanh chóng giấy phép lái xe, điểm bằng lái và các lỗi vi phạm trong quá khứ của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi, nếu đã vậy, sao chúng ta không áp dụng hình thức phạt cảnh cáo với những người mới vi phạm lần đầu? Chẳng hạn như với những người chưa từng vi phạm giao thông trước đây, có thể áp mức phạt cũ (vẫn trừ điểm bằng lái và lưu lại lỗi vi phạm vào hệ thống) để cảnh cáo, răn đe. Nếu người đó vẫn tiếp tục vi phạm trong vòng hai năm tiếp theo thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí cao hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng của lỗi.
>> Nỗi sợ bị phạt oan 5 triệu đồng vì vượt đèn vàng
Tôi cho rằng, làm như vậy người vi phạm dù vô tình hay cố ý cũng sẽ ý thức rằng nếu bản thân không thay đổi, chạy xe cẩn thận hơn thì sẽ bị phạt rất nặng. Đồng thời, mức phạt cảnh cáo như vậy cũng sẽ tránh khiến người vi phạm lần đầu bị sốc thay vì phạt nặng ngay.
Xét về mặt khách quan, nước ta vẫn đang trong giai đoạn phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, bất cập, thế nên, cánh tài xế mưu sinh hàng ngày trên đường rất dễ mắc sai sót dẫn đến bị phạt, dù có thể họ không cố ý (do không quen đường, biển báo bị che khuất, lỗi đèn tín hiệu...). Nếu vì vậy mà họ vô tình vi phạm rồi bị giữ bằng lái, phạt nặng hơn cả thu nhập một tháng thì sẽ dễ dẫn tới tình trạng tiêu cực. Như vậy chẳng phải còn tệ hơn sao?
Sẽ có người phản biện rằng "đi đúng luật thì lo gì bị phạt", nhưng thực tế, nhiều khi bạn đi chỗ lạ, không quen đường, vừa lái xe vừa nhìn bản đồ dẫn hướng, vừa quan sát xe cộ trước sau, nên rất dễ mắc phải sai sót vô ý. Nếu phạt nặng những trường hợp này thì liệu có thực sự nhân văn?
Tôi chỉ sợ lúc người nhà mình có việc cần đi viện gấp, không đợi được xe cấp cứu, phải gọi xe ngoài. Tới đoạn đèn đỏ, tôi gõ cửa năn nỉ các xe phía trước nhường đường cho xe của mình được vượt lên, thì người ta sẽ không ai giúp vì sợ bị phạt nguội lỗi đè vạch dừng khi đèn đỏ. Vì khi camera chụp hình và gửi giấy phạt nguội về, họ chẳng có cách nào chứng minh hành động đó là để giúp người cả. Bất cập là ở chỗ đó.
- Nơm nớp lo bị phạt oan vì dính 'bẫy đèn đỏ'
- 'Cần vùng xanh cho tài xế lỡ vượt đèn vàng'
- 'Không nên phạt lỗi vượt đèn vàng'
- 'Chỉ nên bỏ đếm giây đèn đỏ'
- Tài xế lo bị phạt nặng vượt đèn đỏ vì bỏ đếm giây
- 'Ý thức tài xế ôtô chẳng hơn gì người đi xe máy'