Trả lời:
Cholesterol là một chất béo ở dạng sáp mà cơ thể cần để tạo ra các hormone, vitamin cũng như xây dựng các tế bào khỏe mạnh. Có nhiều loại cholesterol trong đó chiếm tỷ lệ cao là: cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), thường được gọi là cholesterol "xấu" và cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), được gọi là cholesterol "tốt". Nếu cơ thể có quá nhiều loại cholesterol "xấu" có thể dẫn tới nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
LDL cholesterol có thể tích tụ trong mạch máu, bị oxy hóa và hình thành các mảng bám gây nguy hiểm trong động mạch. HDL cholesterol mang cholesterol trở lại gan, sau đó xử lý và ngăn không cho tích tụ trong động mạch.
Chế độ ăn uống là một yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến mức cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị, chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và rau giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và kiểm soát mức cholesterol. Trong đó, bạn nên ăn nhiều cá và thịt gia cầm, đồng thời hạn chế thịt đỏ và sữa béo. AHA khuyến nghị các gia đình nên ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần, mỗi bữa khoảng 100g, ưu tiên các loại cá có nhiều axit béo omega-3 như cá hồi, cá trích hoặc cá thu.
Cả cá béo và cá nạc đều chứa ít chất béo bão hòa, là nguồn bổ sung lành mạnh cho người bệnh mỡ máu. Cá cũng là nguồn cung cấp chất béo và protein tốt, đồng thời chứa rất ít carbohydrate. Cá có xương cũng giàu canxi và hầu như tất cả các loại cá đều chứa các vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như selen và vitamin B12. Bên cạnh đó, cá và hải sản cũng là nguồn cung cấp axit béo omega-3, giúp tăng khả năng chống viêm và có nhiều tác dụng với sức khỏe, điển hình như giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Do đó, những người đang cố gắng giảm mức cholesterol trong cơ thể không cần tránh bất kỳ loại cá cụ thể nào. Các loại cá nạc như cá vược, cá tuyết cũng có lợi cho người bệnh mỡ máu cao.
Một lưu ý khác khi chọn loại cá để ăn là chú ý mức thủy ngân ở một số loại cá và hải sản có thể cao hơn những loại khác. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lưu ý một số loại cá kích thước lớn có hàm lượng thủy ngân cao như: cá thu, cá bơn, cá ngừ đại dương, cá kiếm, cá cờ không ăn quá 2 khẩu phần ăn mỗi tuần. Phụ nữ mang thai không ăn quá 170 mg cá ngừ, cá thu, tối đa 3 lần một tháng. Để giữ lượng chất béo bão hòa ở mức thấp, phương pháp nấu ăn như kho hoặc nướng có thể thay thế cho chiên rán bằng dầu.
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh mỡ máu cao có thể kiểm soát mức cholesterol và tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách vận động thường xuyên. Tập thể dục có thể làm giảm mức chất béo trung tính và tăng cholesterol "tốt" (HDL), cả hai đều tốt cho trái tim.
Các bài tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, đạp xe cũng mang lại lợi ích đáng kể. Cùng với đó, sử dụng thuốc theo liều lượng của bác sĩ điều trị cũng là yếu tố giúp kiểm soát tốt mỡ trong máu.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome