Trả lời:
Thừa cân, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ quá mức trong cơ thể, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá tình trạng này có xu hướng gia tăng.
Theo mức tiêu chuẩn, một bé gái 5 tuổi có cân nặng trung bình là 15,8-21,2 kg. Con bạn cao 1,06 m, nặng 27 kg là thừa cân. Không phải trẻ thừa cân, béo phì nào cũng hạn chế chiều cao. Tuy nhiên quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ thừa cân dễ bị ảnh hưởng do tác động của yếu tố nội tiết, cơ xương.
Thời gian đầu trẻ béo phì thường có chiều cao nổi bật hơn bạn đồng trang lứa (thường là trước tuổi dậy thì). Tốc độ phát triển sau đó sẽ chậm lại, thậm chí ngừng hẳn. Nguyên nhân là do hormone leptin trong mô mỡ kích thích quá trình dậy thì sớm, khiến xương kết thúc quá trình tăng trưởng sớm hơn bình thường.
Béo phì cũng gây sức ép lên hệ xương, khiến xương tổn thương, hạn chế phát triển tối đa. Trẻ tăng nguy cơ bị rối loạn lipid máu, tăng cholesterol, dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Trẻ cũng có thể bị rối loạn hô hấp, ngủ ngáy, nguy cơ ngưng thở khi ngủ.
Để trẻ duy trì cân nặng hợp lý, cải thiện sức khỏe tổng thể, bạn nên xây dựng khẩu phần ăn cân đối. Bé nên giảm thực phẩm giàu đường, tinh bột và chất béo bão hòa, tăng cường rau xanh. Khuyến khích con tham gia các hoạt động vận động phù hợp với tuổi.
Nếu bạn lo lắng con thừa cân có thể đưa bé đến khám tại chuyên khoa dinh dưỡng của các bệnh viện, trung tâm dinh dưỡng uy tín. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng của bé trên biểu đồ tăng trưởng, yếu tố gia đình. Trẻ có thể được xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC, đo thành phần cơ thể với máy InBody 770 (nếu cần) để xác định đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Dựa vào đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp trẻ phát triển tối ưu.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |