Bệnh tuyến giáp tự miễn hay viêm tuyến giáp tự miễn là một bệnh khá phổ biến. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể hủy hoại dần tuyến giáp và làm ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến nội tiết này. Nếu kháng thể gây tổn thương mạn tính, làm giảm khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp thì bệnh nhân sẽ bị suy giáp. Ngược lại, nếu kháng thể kích thích tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thì sẽ gây ra bệnh cường giáp. Dù là suy giáp hay cường giáp thì tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp đều gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới.
Theo đó, các bệnh lý tuyến giáp có thể rút ngắn giai đoạn hoàng thể. Giai đoạn này bắt đầu từ sau khi rụng trứng đến trước ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Khi giai đoạn hoàng thể bị rút ngắn, trứng đã thụ tinh có khả năng bị đẩy khỏi cơ thể trong kỳ kinh nguyệt trước khi có cơ hội làm tổ trên thành tử cung, từ đó làm giảm khả năng thụ thai. Mất cân bằng hormone tuyến giáp cũng dẫn đến mất cân bằng hormone sinh dục (estrogen và progesterone), những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mang thai ở nữ giới.
Ngoài ra, tùy vào khả năng tác động đến nồng độ hormone tuyến giáp mà mỗi tình trạng sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến khả năng sinh sản. Sự thiếu hụt hormone tuyến giáp làm cản trở quá trình rụng trứng và gây ra tình trạng chu kỳ hành kinh không có sự rụng trứng hay phóng noãn (anovulatory cycle). Khi không có sự rụng trứng, bệnh nhân sẽ không thể thụ thai dù vẫn có kinh nguyệt bình thường. Suy giáp còn có khả năng dẫn đến kinh nguyệt không đều với các chu kỳ cách nhau hơn 35 ngày.
Nhiều bằng chứng cũng cho thấy, suy giáp có thể gây hình thành u nang trong buồng trứng và làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới. Ngoài ra, tình trạng này còn kích thích cơ thể sản xuất prolactin (hormone kiểm soát quá trình sản xuất sữa). Nồng độ prolactin trong cơ thể tăng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng.
Bằng chứng về mối liên hệ giữa cường giáp và khả năng vô sinh ở nữ giới thường ít hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lượng hormone tuyến giáp dư thừa trong máu có liên quan đến tình trạng giảm kinh (thời gian hành kinh ngắn với lượng máu kinh ít) hoặc đa kinh (chu kỳ kinh nguyệt dưới 21 ngày). Các tình trạng này đều gây rối loạn kinh nguyệt và khiến nữ giới khó mang thai.
Dù gây nhiều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới nhưng nếu bệnh nhân kiểm soát thành công các bệnh lý này thì cơ hội mang thai sẽ được cải thiện đáng kể. Bệnh suy giáp thường được điều trị bằng liệu pháp thay thế hormone, giúp cung cấp lượng hormone tuyến giáp thiếu hụt cho cơ thể. Trong khi đó, tình trạng cường giáp có thể được điều trị bằng thuốc kháng giáp, i-ốt phóng xạ, thuốc chẹn beta hoặc phẫu thuật. Bệnh nhân mắc các bệnh tuyến giáp tự miễn cần kiểm soát tốt tình trạng của mình và trao đổi với bác sĩ để xây dựng kế hoạch mang thai phù hợp cho bản thân.
Phương Quỳnh
(Theo Verywellhealth, Mayo Clinic, Everydayhealth)