Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực, Mạch máu - Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh tim mạch luôn nằm trong nhóm bệnh lý gây tử vong cao, đe dọa nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Số liệu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có khoảng 20 triệu người trên thế giới tử vong vì các bệnh tim mạch.
Riêng tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 170.000 người tử vong vì bệnh tim, chiếm đến 31% trong tổng số ca tử vong của cả nước. Theo thống kê của Viện Tim mạch quốc gia, cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người bị tăng huyết áp. "Tăng huyết áp được biết đến là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh động mạch vành và đột quỵ. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người bệnh có tăng huyết áp gấp 3 lần và 4 lần so với người khỏe mạnh. Đây là con số đáng báo động", bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch (tiếng Anh là Cardiovascular Disease - CVD) là tên gọi chung cho các bệnh của tim và mạch máu, bao gồm: bệnh mạch vành, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch chủ, các bệnh động mạch ngoại biên, suy tim, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, các rối loạn nhịp tim...
Các yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch bao gồm: hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, ít hoạt động thể lực, hoặc có chế độ ăn uống không lành mạnh, tần suất sử dụng rượu bia ở mức cao. Những yếu tố này liên quan chủ yếu tới các thói quen sinh hoạt, làm việc, ăn uống... và hoàn toàn có thể điều chỉnh để phòng ngừa.
Dấu hiệu của bệnh tim mạch
- Khó thở: Khó thở có thể gặp khi gắng sức, nặng hơn có thể gặp cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi, người bệnh không thể nằm xuống mà phải ngồi để thở. Triệu chứng này thể hiện tình trạng suy tim, khi chức năng co bóp của tim không đảm bảo tống máu đi nuôi cơ thể.
- Đau ngực: Đau ngực do bệnh tim là biểu hiện của tình trạng cơ tim bị thiếu máu. Người bệnh có cảm giác bị đè nặng tức ở ngực trái, trên rốn... Có thể biểu hiện với cơn đau thắt ở ngực lan lên cằm, lên vai hay ra sau lưng. Các biểu hiện đau này thường có tính chu kỳ, xảy ra khi người bệnh gắng sức hay bị stress, hết khi nghỉ ngơi. Những cơn đau thắt ngực có thể kéo dài khoảng 5-10 phút và có xu hướng lặp lại. Người bệnh khi gặp những cơn đau ngực kéo dài cần nghỉ ngơi tuyệt đối, đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời vì đây cũng có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim cấp.
- Thường xuyên mệt mỏi: Khi bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức sau các hoạt động sinh hoạt thường ngày, thậm chí ngay sau khi ngủ dậy thì có thể đây là dấu hiệu của chứng thiếu máu đến não, tim và phổi.
- Ho dai dẳng: Suy tim làm cho máu không được bơm đi nuôi cơ thể, đồng thời máu bị ứ lại ở phổi. Dịch, máu thoát mạch vào mô kẽ và vào các phế nang làm cho người bệnh bị ho thành cơn kéo dài, dai dẳng. Ho nhiều hơn khi người bệnh nằm xuống. Người bệnh tim cũng có thể bị những cơn ho do tác dụng phụ của thuốc điều trị suy tim như một số thuốc ức chế men chuyển.
- Buồn nôn, chán ăn: Có rất nhiều bệnh lý gây ra tình trạng buồn nôn, chán ăn, nhưng đây cũng là triệu chứng điển hình của bệnh suy tim. Người bệnh thường cảm giác no tức bụng do máu bị ứ ở gan và các cơ quan tiêu hóa. Tình trạng này làm cho gan và các cơ quan tiêu hóa cũng bị giảm chức năng làm cho người bệnh chán ăn và buồn nôn.
- Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều: Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tim phải đập nhanh hơn để bù lại việc suy giảm chức năng bơm máu. Người bệnh có thể hồi hộp, nghe rõ nhịp tim đập nhanh như đánh trống ở ngực.
- Hay lo lắng: Triệu chứng này thường bị bỏ quên do người bệnh chủ quan xem thường, hay nhầm lẫn với các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng bình thường mà không biết rằng đây chính là dấu hiệu phổ biến cảnh báo chứng suy tim. Người bệnh thường có triệu chứng thở nhanh, tim đập bất thường, lòng bàn tay đổ nhiều mồ hôi...
- Chóng mặt và ngất xỉu: Đây là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị gián đoạn hoặc rối loạn nhịp tim ở mức độ nghiêm trọng.
"Nhiều bệnh nhân thường xuyên gặp phải các triệu chứng kể trên nhưng thường chủ quan, nghĩ rằng các triệu chứng này là bình thường, thoáng qua rồi nhanh chóng bỏ qua các dấu hiệu ban đầu, đến khi bệnh trở nặng mới đến thăm khám. Điều này khiến cho quá trình điều trị trở nên khó khăn, không đạt hiệu quả cao nhưng lại tốn kém rất nhiều chi phí. Do đó, khuyến cáo người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị bệnh", bác sĩ Nguyễn Anh Dũng nói.
- Hiện tượng phù nề: Sau khi ngủ dậy nếu bạn cảm thấy mặt bị căng phù, mí mắt trĩu nặng, hoặc có thể chân bị phù ở một vài thời điểm nhất định trong ngày, đột nhiên đi giày dép chật... thì hãy đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, vì có thể đây là những triệu chứng của bệnh suy tim.
Cách phòng ngừa bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch có thể gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo người bệnh nên ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cụ thể là:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu: Hàm lượng cholesterol trong máu quá cao sẽ bám vào thành động mạch, lâu ngày khiến lòng động mạch bị hẹp lại, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn động mạch, ngăn máu đến nuôi dưỡng tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó, cần xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống khoa học như bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, hạn chế chất ngọt và chất béo, nên ăn nhiều cá, thịt nạc và các loại rau củ quả... Đồng thời cần có kế hoạch theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hàm lượng cholesterol trong máu.
- Kiểm soát tốt huyết áp: Cần xây dựng kế hoạch theo dõi và kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp luôn ở mức ổn định. Trường hợp người bệnh cao huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
- Không hút thuốc lá: Nghiên cứu cho thấy những chất độc hại trong thuốc lá có thể làm tổn thương các mạch máu và tim, có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch. Đặc biệt, chất nicotin trong thuốc lá có thể làm tim đập nhanh, huyết áp tăng cao, gây tích tụ mỡ và đóng cục dẫn đến tắc nghẽn mạch. Do đó, các chuyên gia tim mạch khuyến cáo không hút thuốc lá để giữ cho trái tim bạn được khỏe mạnh.
- Giữ mức cân nặng cân đối, tránh béo phì: Những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch vì tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo bơm máu nuôi dưỡng khối tế bào lớn của cơ thể. Phải hoạt động ở cường độ mạnh và lâu ngày, tim sẽ yếu dần đi. Do đó, cần có chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để cân nặng luôn ở mức cân đối, tránh béo phì.
- Tập luyện thể dục thể thao điều độ: Việc tập luyện thể dục thể thao điều độ giúp điều hòa huyết áp và tim mạch, giúp tim co bóp được tốt hơn. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn lựa những bài tập phù hợp sức khỏe và tình trạng của mình.
- Có giấc ngủ ngon, tránh căng thẳng: Tình trạng thiếu ngủ kéo dài có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim và tiểu đường. Hay căng thẳng là nguyên nhân chính của bệnh nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, cần sắp xếp thời gian làm việc, các hoạt động trong ngày và nghỉ ngơi một cách hợp lý, đủ giấc. Luôn duy trì cơ thể ở trạng thái thoải mái, tránh căng thẳng là những biện pháp quan trọng phòng ngừa bệnh tim mạch.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể kiểm soát tốt các chỉ số huyết áp, hàm lượng cholesterol trong máu, phát hiện sớm những bất thường nếu có là biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa các bệnh lý tim mạch.
Trên thực tế, các biểu hiện của bệnh tim ban đầu thường không rõ ràng, chỉ một số yếu tố rất nhỏ lại chính là tín hiệu cảnh báo triệu chứng tim mạch có nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh khi nhận thấy những dấu hiệu tim mạch bất thường hãy đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp đúng cách và kịp thời.
Thảo Trang (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm như Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh; Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến; bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên; Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Hùng; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng; BSCKII Huỳnh Ngọc Long; BSCKI Vũ Năng Phúc; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên; bác sĩ Nguyễn Đức Hưng; bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh; BSCKI Phạm Thục Minh Thủy; Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy; BSCKII Võ Ngọc Cẩm; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao; BSCKI Hoàng Thị Bình; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh... Bệnh viện còn có trang thiết bị hiện đại, mang đến dịch vụ tầm soát, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch cho mọi đối tượng, từ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người lớn, người cao tuổi...
Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia tim mạch, độc giả liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Tại Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- Tại TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh