Trả lời:
Bệnh tim bẩm sinh là những bất thường liên quan đến tim xuất hiện từ trong bào thai và tồn tại sau sinh. Dị tật tim bẩm sinh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc tim như: van tim, vách ngăn giữa buồng tim hay mạch máu lớn từ tim. Mức độ nghiêm trọng của tim bẩm sinh có thể nhẹ, không cần can thiệp, cho đến những triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng.
Một số loại dị tật tim bẩm sinh phổ biến như: hẹp van động mạch chủ, thiểu sản cung động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh, thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, chuyển vị đại động mạch... Trong đó, tứ chứng Fallot là dị tật bẩm sinh tím thường gặp với 4 bất thường gồm: động mạch chủ bị kéo về phía tâm thất phải và ngay phía trên lỗ thông liên thất, thông liên thất, hẹp tại van hoặc dưới van động mạch phổi gây cản trở máu lên phổi và thất phải dày. Trẻ bị tứ chứng Fallot cần phải phẫu thuật tim hở để đóng lỗ thông liên thất, mở rộng chỗ hẹp phổi gây cản trở máu lên phổi, cần theo dõi sức khỏe suốt đời.
Trước đây, khi y học chưa phát triển, trẻ mắc tim bẩm sinh được phát hiện sau sinh hoặc trong quá trình trưởng thành. Hiện nay, với sự phát triển của trang thiết bị và kỹ thuật siêu âm tim hiện đại, nhiều dị tật tim bẩm sinh phức tạp được chẩn đoán sớm từ tuần 16-17 thai kỳ. Nhờ đó, bác sĩ có thể theo dõi, điều trị hỗ trợ ngay sau sinh nếu bé được chẩn đoán mắc dị tật tim nặng.
Tim bẩm sinh có nhiều dị tật khác nhau từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Có bệnh lý có thể điều trị khỏi hoàn toàn, một số trường hợp dị tật nặng, phương pháp điều trị hỗ trợ chỉ là giải pháp tạm thời giúp kéo dài sự sống của bệnh nhân.
Mặc dù tứ chứng Fallot được đánh giá là bệnh tim bẩm sinh nặng, tuy nhiên với những tiến bộ vượt bậc của y học hiện đại cơ hội phát hiện sớm và điều trị khỏi bệnh cao. Khả năng sống và chất lượng cuộc sống của trẻ bị tứ chứng Fallot sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:
Thời điểm phát hiện bệnh: Bệnh được phát hiện sớm từ trong bụng mẹ hoặc ngay sau sinh sẽ giúp bác sĩ lên phương án điều trị phù hợp và hiệu quả.
Phương pháp điều trị: Phẫu thuật là phương pháp điều trị tứ chứng Fallot hiệu quả nhất. Dựa vào tình trạng bệnh lý, thể trạng bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất. Bệnh lý này có thể phải phẫu thuật lần hai để thay van động mạch phổi khi trẻ lớn lên.
Cách chăm sóc: Sau phẫu thuật, việc theo dõi tái khám, cách chăm sóc trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, do đây là bệnh phải theo dõi định kỳ, suốt đời.
Hầu hết trẻ bị tứ chứng Fallot được phẫu thuật triệt để có thể sống khỏe mạnh đến khi trưởng thành với chức năng tim gần như bình thường. Do đó, bạn không nên quá lo lắng, cần khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ sản khoa và siêu âm tim thai kiểm tra định kỳ. Sau sinh bé có thể cần can thiệp ngay. Bạn nên chọn sinh ở đơn vị có sự phối hợp sản - sơ sinh - tim mạch để bé được chăm sóc hồi sức, can thiệp kịp thời.
BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM