Bệnh nướu răng là tập hợp các tình trạng viêm ảnh hưởng đến các mô xung quanh răng, nướu. Có một số nghiên cứu cho thấy bệnh nướu răng làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Miệng là nơi chứa hệ vi sinh vật lớn thứ hai trong cơ thể với hơn 700 loài vi khuẩn, chỉ sau hệ vi sinh đường ruột. Theo nghiên cứu công bố năm 2020 của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ và một số đơn vị, trên hơn 148.000 người, hệ vi sinh vật trong miệng và sự cân bằng của vi khuẩn bên trong nó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể theo nhiều cách. Trong đó, có mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường miệng và ung thư. Bệnh nướu răng và mất răng làm nguy cơ ung thư đại trực tràng gia tăng, ngoài ra nó cũng liên quan đến ung thư đầu và cổ, tuyến tụy, thực quản.
Sau 22-28 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu còn phát hiện người có tiền sử bệnh nướu răng có nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn 52% so với người không mắc bệnh nướu răng. Người mất hai chiếc răng trở lên (do bệnh răng miệng) có khả năng ung thư dạ dày 33%.
Sức khỏe của hệ vi sinh vật trong miệng có mối liên hệ với nhiều bệnh như bệnh tim, tiểu đường, Alzheimer, viêm ruột, viêm khớp dạng thấp và gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa.
Nghiên cứu khác năm 2020 của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ, trên hơn 42.000 người, cho thấy bệnh nướu răng cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng. Người bệnh nướu răng có khả năng bị polyp răng cưa đại tràng tăng 17% so với người không có tiền sử mắc bệnh này. Polyp răng cưa là loại polyp đại tràng có thể phát triển thành ung thư theo thời gian.
Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra người mất từ 4 chiếc răng trở lên (do bệnh nhu cha) có liên quan đến nguy cơ mắc polyp răng cưa tăng 20%. Tiền sử bệnh nướu răng có thể làm tăng 11% nguy cơ u tuyến thông thường, một loại polyp đại tràng khác không phải ung thư nhưng có thể phát triển thành ung thư.
So với người khỏe mạnh, người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng có tỷ lệ lây truyền vi khuẩn F. nucleatum có hại từ miệng đến ruột cao hơn. F. nucleatum có khả năng kết hợp với các loại vi khuẩn khác để tạo thành màng sinh học trên bề mặt răng, gây bám dính và tăng khả năng viêm nướu. Nó cũng có thể tấn công các tế bào bảo vệ và gây tổn thương cho mô mềm xung quanh răng, viêm nướu và bệnh nha chu.
Hệ vi sinh vật trong miệng hoạt động kém và mất cân bằng, bệnh nướu răng, mất răng thường do vệ sinh răng miệng kém, di truyền, hút thuốc, tiểu đường và béo phì. Các vi khuẩn trong miệng có thể trực tiếp đến các bộ phận khác của cơ thể và gây tổn thương, viêm nhiễm. Những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường miệng có thể dẫn đến viêm toàn thân và gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Vệ sinh răng miệng tốt giúp ngừa bệnh nướu răng, phòng ung thư đại trực tràng phát triển. Nên đánh răng sau bữa ăn, dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày, sử dụng nước súc miệng và đến gặp nha sĩ để chăm sóc răng miệng đều đặn hơn.
Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh, gồm tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc cũng giữ cho hệ vi sinh vật đường miệng khỏe mạnh. Nếu không được điều trị, bệnh nướu răng có thể dẫn đến phá hủy xương và các mô nâng đỡ răng, mất răng.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |