Trả lời:
Điều trị ung thư dạ dày nói riêng và các bệnh ung thư khác nói chung hiện nay có khá nhiều phương pháp. Các phương pháp có thể được phối hợp với nhau nhằm nâng cao hiệu quả và giảm tác dụng phụ không đáng có của điều trị. Đối với ung thư dạ dày, phẫu thuật hiện nay vẫn là tiêu chuẩn "vàng". Ngoài ra còn có các phương pháp như hóa trị, dùng thuốc điều trị trúng đích, những thuốc sinh học mới hoặc xạ trị (xạ trị chỉ sử dụng trong trường hợp không mổ được, giảm áp, ung thư dạ dày di căn đến những nơi khác trong cơ thể như xương gây đau).
Bạn không cung cấp thông tin kích thước khối u của bạn bao nhiêu cm. Ngoài ra, các phương tiện chẩn đoán trước khi điều trị như CT, nội soi cho thấy khối u xấm lấn đến bề sâu của niêm mạc dạ dày đến mức độ nào. Bệnh nhân có thể được hóa trị trước một vài đợt và đánh giá, sau đó thực hiện phẫu thuật nhằm lấy trọn hết khối u. Sau khi mổ, bệnh nhân có thể hóa trị một số đợt nữa nhằm làm giảm nguy cơ bệnh phát tán theo đường mạch máu hoặc theo hạch đến những nơi khác trong cơ thể.
Nhiều bệnh nhân khi nghe đến hóa trị đều rất lo sợ vì nghĩ rằng ung thư là "án tử". Ngày nay, với những phương thức, loại thuốc hóa trị mới và các cách pha thuốc đúng theo tiêu chuẩn, kết hợp thuốc hỗ trợ trước, trong và sau khi hóa trị sẽ giúp ích cho bệnh nhân. Bệnh nhân cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng quan trọng, bạn cần được bác sĩ giải thích rõ mục đích, kế hoạch điều trị thì sẽ đỡ lo sợ hơn.
Đa phần những tác dụng phụ của hóa trị sẽ nặng hơn ở bệnh nhân nữ và không biết rõ quá trình trị điều trị. Do căng thẳng, lo lắng, khi bước vào phòng hóa trị, có bệnh nhân cảm thấy muốn nôn ói. Bạn nên tư vấn với bác sĩ đang thăm khám và có thể tìm thêm những thông tin nguồn khác xác thực và có chuyên môn để hỗ trợ. Bác sĩ sẽ là người cung cấp thông tin về kế hoạch điều trị, hỗ trợ về chuyên môn và đồng hành cùng người bệnh.
Bác sĩ Trần Vương Thảo Nghi
Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM