Bệnh mạch vành (suy mạch vành hay thiếu máu cơ tim) là bệnh tim mạch phổ biến ở người lớn và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo số liệu của Viện Tim mạch Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do bệnh mạch vành chiếm 11-36% và đang có dấu hiệu tăng dần mỗi năm.
Động mạch vành (động mạch nuôi tim) nằm trên bề mặt của tim, có hai nhánh chính là động mạch vành trái (chia làm hai nhánh là động mạch liên thất trước và động mạch mũ) và động mạch vành phải. Những động mạch này mang oxy và máu giàu chất dinh dưỡng để nuôi cơ tim, giúp tim thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bơm máu đi khắp cơ thể. Khi các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn do mảng xơ vữa sẽ khiến lưu lượng máu đến tim giảm, gây ra triệu chứng của bệnh mạch vành.
Bệnh động mạch vành có hai thể gồm hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn. Hội chứng động mạch vành cấp bao gồm cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim cấp xảy ra do mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cấp tính do mảng xơ vữa bị nứt vỡ hoặc do huyết khối.
Triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở xảy ra đột ngột, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút kèm theo cảm giác vã mồ hôi, hoảng loạn, ngộp thở. Những trường hợp này người bệnh thường nên đến bệnh viện sớm hoặc phải đi cấp cứu ngay. Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân được đưa đến phòng thông tim để chụp và nong mạch vành khẩn cấp.
Bệnh mạch vành thường xảy ra âm thầm và có thể tiến triển trong nhiều thập kỷ. Triệu chứng của bệnh xuất hiện và tăng dần khi diễn tiến của hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian.
Dấu hiệu bệnh mạch vành thường gặp
Cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là dấu hiệu thường gặp nhất trong bệnh mạch vành. Người bệnh có cảm giác nặng, nghẹn, thắt, bóp nghẹt ở trong lồng ngực, thường bên ngực trái hoặc sau xương ức, xảy ra khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng, cơn đau kéo dài vài phút (3-5 phút) thường dưới 15 phút và hiếm khi xảy ra chỉ vài giây.
Cơn đau thường lan lên cổ, hàm, hai vai, cánh tay trái hoặc lan sau lưng, nhất là khi ngồi nghỉ hoặc ngậm nhóm thuốc nitrat. Nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút, xảy ra lúc nghỉ có khả năng bạn bị nhồi máu cơ tim cấp, cần đến bệnh viện ngay để được điều trị tích cực sớm. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác gợi ý bệnh mạch vành như khó thở, hụt hơi, chóng mặt, hồi hộp tim đập không đều, gần ngất...
Nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh mạch vành là do mảng xơ vữa làm nghẽn lòng động mạch vành. Các yếu tố nguy cơ chính là tăng xơ vữa động mạch gồm tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá.
Một khi thành trong của động mạch vành bị tổn thương, các chất béo (mảng bám) hình thành từ cholesterol và các chất thải tế bào khác có xu hướng tích tụ tại vị trí bị tổn thương này. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng bám bị vỡ, các tế bào máu (tiểu cầu) sẽ kết tụ lại với nhau tại đây để cố gắng sửa chữa tổn thương, tạo thành cục huyết khối, gây bít hoàn toàn lòng mạch vành, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Những người có các yếu tố dưới đây dễ tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành.
- Tuổi cao: càng lớn tuổi càng tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và hẹp các động mạch.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm: trong gia đình có cha, anh em trai mắc bệnh mạch vành trước 55 tuổi hoặc mẹ hay chị em gái bạn có bệnh này trước 65 tuổi.
- Thừa cân - béo phì: người có chỉ số BMI > 23 sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch chuyển hóa, trong đó có bệnh mạch vành.
- Lối sống ít vận động: tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng, rối loạn mỡ máu), tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Thường xuyên stress: căng thẳng quá mức sẽ gây tổn hại cho động mạch, tăng quá trình viêm, tăng xơ vữa mạch máu, thúc đẩy bệnh tiến triển nhanh
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo, thịt mỡ, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp, nhiều muối và chất bột, đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Chứng ngưng thở lúc ngủ: nồng độ oxy trong máu giảm đột ngột xảy ra khi ngưng thở lúc ngủ làm tăng huyết áp và gây stress trên hệ thống tim mạch. Đây là yếu tố thuận lợi của bệnh mạch vành.
- Một số bệnh nội khoa như suy thận mạn, bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, xơ cứng bì...), rối loạn lipid máu gia đình... cũng tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.
Phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành
Để chẩn đoán bệnh mạch vành mạn, bác sĩ hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ chính đưa đến bệnh mạch vành, khám lâm sàng, nghe tim phổi và kết hợp với các cận lâm sàng chuyên biệt giúp chẩn đoán xác định bệnh.
Các kiểm tra cận lâm sàng cần làm để đánh giá và chẩn đoán bệnh mạch vành mạn gồm:
- Đo điện tâm đồ
- Chụp X-quang tim phổi
- Siêu âm tim Doppler màu
- Trắc nghiệm gắng sức: điện tâm đồ gắng sức (nếu bệnh nhân có thể chạy bộ được) hoặc siêu âm tim gắng sức bằng thuốc (cho người cao tuổi, không chạy bộ trên thảm lăn được).
- Chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang: giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn và vôi hóa mạch vành.
- Thông tim, chụp động mạch vành: thường được thực hiện khi nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc kết quả chụp CT mạch vành có hẹp hoặc khi bệnh nhân cần can thiệp mạch vành. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào trong mạch máu ở tay hay ở đùi, đẩy lên tim. Tiếp theo, bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang để xem mạch máu nuôi tim có bị tắc nghẽn hay không. Đây là cách để chẩn đoán bệnh mạch vành, song phương pháp này có xâm nhập vào bệnh nhân nên được chỉ định chặt chẽ để giảm thiểu biến chứng.
Mối nguy khi bị bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành có khả năng dẫn đến các biến chứng như:
- Đột tử: khoảng 30 % - 50% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bị đột tử trước khi đến bệnh viện.
- Suy tim: do thiếu máu cục bộ cơ tim kéo dài hoặc sau nhồi máu cơ tim, làm tim to, co bóp kém, hở van tim.
- Hở van tim nặng (hở van hai lá) do đứt dây chằng van tim, sa lá van, dãn vòng van hay tâm thất trái co bóp bất thường, cuối cùng làm cho tim ngày càng to ra và suy tim tiến triển nặng thêm.
- Rối loạn nhịp tim: block nhĩ thất (cần đặt máy tạo nhịp), rung nhĩ (dễ đưa đến nhồi máu não), ngoại tâm thu thất do sẹo cơ tim nhồi máu; nguy hiểm hơn là nhịp nhanh thất hoặc rung thất đưa đến đột tử.
Phương pháp điều trị bệnh mạch vành
Điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp nào phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tất cả các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu tăng cường cung cấp máu cho tim, giảm triệu chứng và kéo dài đời sống người bệnh bao gồm:
- Điều trị cơ bản trong tất cả các giai đoạn của bệnh là thay đổi lối sống và dùng thuốc.
- Điều trị can thiệp gồm có nong, đặt stent mạch vành và mổ bắc cầu mạch vành.
- Thay đổi lối sống: người bệnh phải ngưng thuốc lá, tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần, giảm cân nếu dư cân hay béo phì, chế độ ăn tốt cho tim mạch, giảm rượu bia.
- Điều trị thuốc: cần uống thuốc đều đặn và lâu dài, trong đó thuốc chống kết tập tiểu cầu phải uống suốt đời, nhất là ở người đã có nhồi máu cơ tim, có đặt stent hay mổ bắc cầu mạch vành. Một số loại thuốc như thuốc chống kết tập tiểu cầu, hạ mỡ máu, giảm xơ vữa động mạch, chống đau thắt ngực, thuốc điều trị các bệnh đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường...
- Can thiệp động mạch vành qua da và đặt stent: stent động mạch vành là những khung lưới kim loại nhỏ được đưa vào trong lòng mạch vành nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó không hẹp lại.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: dùng một đoạn động hoặc tĩnh mạch làm cầu nối bắc qua vị trí mạch vành tổn thương, nối phía sau đoạn hẹp. Như vậy, máu sẽ được cung cấp cho vùng cơ tim bị thiếu máu sau chỗ hẹp thông qua cầu nối mới.
Sau khi đặt stent hoặc mổ bắc cầu người bệnh cần uống thuốc đều đặn, thay đổi lối sống để tránh bị tái hẹp, tắc trong stent hay cầu nối mạch vành.
Cách phòng tránh bệnh mạch vành
Tuân thủ lối sống lành mạnh là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh các bệnh tim mạch, trong đó có bệnh mạch vành. Bên cạnh đó, cần thực hiện:
- Ngưng hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động.
- Thể dục thường xuyên tối thiểu 30 - 45 phút mỗi ngày, các ngày trong tuần. Có thể đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn, đánh golf, tập yoga, thể dục nhịp điệu, thiền... tùy theo tình trạng sức khỏe mỗi người.
- Tránh căng thẳng trong cuộc sống và công việc.
- Giảm cân nếu dư cân, béo phì (khi BMI > 23): đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 7% cân nặng trong vòng mỗi sáu tháng đến khi đạt cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 - 22).
- Chế độ ăn có lợi cho tim mạch như ăn ít chất béo, thịt mỡ, chất bột đường, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, hạn chế muối, giảm rượu bia. Nên ăn cá, thịt gia cầm; ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống, organic.
- Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm như kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có đái tháo đường; điều trị ổn định huyết áp và mỡ máu.
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)