Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Phạm Anh Tú, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Bệnh lao vú là dạng lao ngoài phổi ít gặp, thường xảy ra ở phụ nữ 19-45 tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và cho con bú, do mô tuyến vú phát triển nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Nam giới cũng có nguy cơ mắc lao vú nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Triệu chứng
- Sốt vào chiều tối.
- Ớn lạnh.
- Ăn uống không ngon miệng.
- Sụt cân.
- Nổi hạch nách, hạch cổ.
- Ngực đau khi chạm vào hay mặc áo bó sát.
- Da vùng ngực có thể bị viêm loét, có lỗ chảy mủ ra bên ngoài.
Khối u ở ngực xơ cứng hoặc mềm nên dễ bị nhầm với khối áp xe. Người bệnh mắc lao vú cùng lúc lao phổi có thể bị ho dai dẳng, khạc đàm...
Phân loại
Có hai dạng lao vú là nguyên phát và thứ phát.
Lao vú nguyên phát là thể bệnh ít gặp, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào mô tuyến vú qua các vết trầy xước trên da, nhũ hoa, gây nhiễm trùng.
Lao vú thứ phát phổ biến hơn, xuất phát từ các tổn thương lao ở phổi, cột sống... theo đường máu hoặc bạch huyết đến vú.
Chẩn đoán
Phát hiện sớm và chính xác bệnh lao vú giúp người bệnh tránh được nguy cơ cắt bỏ ngực, điều trị nhầm dẫn đến kháng thuốc, tốn kém chi phí.
Để chẩn đoán lao vú, bác sĩ hút dịch áp xe, soi dưới kính hiển vi để tìm trực khuẩn lao, nuôi cấy vi khuẩn lao, xét nghiệm PCR lao.
Bác sĩ có thể cho người bệnh chọc hút tế bào mô tuyến vú bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm, giải phẫu bệnh tìm tổn thương nang lao. Người bệnh có thể được siêu âm toàn bộ ngực giúp đánh giá mức độ tổn thương mô vú, chụp X-quang ngực để tìm lao phổi.
Điều trị
Người bệnh lao vú được điều trị với thuốc kháng lao có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bác sĩ cũng có thể rạch ổ áp xe dẫn lưu mủ, phẫu thuật phá bỏ đường dò, bóc tách khối u... giúp người bệnh giảm đau nhức.
Người bệnh cần tái khám định kỳ, xét nghiệm chức năng gan thận nhằm kiểm tra sức khỏe tổng thể sau khi dùng thuốc kháng lao.
Nguyễn Trăm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |