Bác sĩ Nguyễn Minh Thúy, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVFTA), cho biết hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) là dạng rối loạn chuyển hóa và nội tiết toàn thân, thường gặp ở khoảng 2,2-26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-44 tuổi). Bệnh tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, buồng trứng có nhiều nang nhỏ.
Nguyên nhân gây ra hội chứng này có thể do các yếu tố di truyền kết hợp chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Ở một số người, dấu hiệu buồng trứng đa nang có thể xuất hiện từ sớm như kinh nguyệt không đều, chu kỳ kinh ngắn, kéo dài hoặc vô kinh; tăng cân đột ngột; da mặt nhờn, sẫm màu; nhức đầu; nổi nhiều mụn trứng cá; đau và khó chịu vùng chậu.
Sự gia tăng nồng độ nội tiết tố nam trong cơ thể còn gây rậm lông ở mặt, lưng, bụng và ngực (chiếm khoảng 70%). Một số trường hợp có thể bị hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Thúy, khoảng 70% trường hợp không biết mình mắc bệnh nên không điều trị sớm, dẫn đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng liên quan.
Béo phì: Theo Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Mỹ, khoảng 80% phụ nữ mắc PCOS bị thừa cân, béo phì. Cân nặng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các triệu chứng của bệnh. Khi cân nặng được kiểm soát phù hợp, bệnh có thể cải thiện.
Tiểu đường: Phụ nữ mắc bệnh này thường có tình trạng kháng insulin (hormon điều hòa lượng đường trong máu) khiến nồng độ glucose trong máu tăng cao. Nếu lượng glucose trong máu tăng cao liên tục theo thời gian dẫn đến bệnh tiểu đường.
Bác sĩ Thúy dẫn nghiên cứu theo dõi 255 phụ nữ mắc PCOS trong vòng 10 năm đăng trên tạp chí Diabetes năm 2012 cho thấy có 39,3% phụ nữ phát triển bệnh tiểu đường type 2. Con số này ở phụ nữ bình thường là 5,8%.
Ung thư nội mạc tử cung: Nghiên cứu hồi tháng 4 của các nhà khoa học Anh dựa trên 10 nghiên cứu, hơn 66.360 phụ nữ, cho thấy phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung gấp 5 lần so với người bình thường. Hiện tượng rụng trứng không xảy ra, niêm mạc tử cung tăng sinh liên tục, dày hơn nhiều so với bình thường, lâu dần có thể khiến các tế bào biến đổi thành ung thư.
Vô sinh: Khoảng 70-80% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có vấn đề về sinh sản, theo bác sĩ Thúy. Nồng độ androgen ở người mắc bệnh cao hơn bình thường gây rối loạn phóng noãn, khiến trứng rụng không đều, làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, gây khó thụ thai. Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ trên hơn 1.700 phụ nữ ở Anh bị PCOS cho thấy vô sinh nguyên phát chiếm 50%, vô sinh thứ phát khoảng 25%.
Tình trạng kháng insulin ở người bị PCOS khiến lượng insulin được cơ thể sản xuất nhiều hơn mức cần thiết gây thừa, từ đó kích hoạt buồng trứng tăng sản xuất nội tiết nam, cản trở quá trình rụng trứng. Béo phì còn liên quan đến giảm tỷ lệ mang thai, tăng nguy cơ sẩy thai. Ngoài ra, bất thường nội mạc tử cung ở phụ nữ PCOS cũng làm ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi.
Rối loạn chuyển hóa: PCOS và béo phì đều có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa như tăng huyết áp, đường huyết cao, cholesterol HDL thấp, cholesterol LDL cao... Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường type 2, đột quỵ.
Hội chứng ngưng thở lúc ngủ: Đây là tình trạng người bệnh ngưng thở hoặc giảm thở kéo dài trên 10 giây khi ngủ, sau đó bị kích thích tỉnh giấc với cảm giác ngạt thở, thở gấp. Luồng không khí đi vào phổi bị hạn chế, thậm chí ngừng hoàn toàn gây giảm bão hòa oxy máu. Người bệnh thường xuyên ngủ ngáy, mệt mỏi sau khi ngủ, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ, buồn ngủ ban ngày, giảm khả năng tình dục, tăng nguy cơ cao trầm cảm, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa...
Hội chứng này thường gặp ở người thừa cân, béo phì. Phụ nữ PCOS có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5-10 lần so với người bình thường.
Trầm cảm: Nội tiết thay đổi dẫn đến tình trạng hói đầu, rậm lông, sạm da, tăng cân mất kiểm soát, mụn trứng cá... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần của phụ nữ. Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ mắc PCOS dao động 14-67%, với tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm cao hơn gấp 4 lần so với người khỏe mạnh.
Theo bác sĩ Thúy, PCOS có thể được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, xét nghiệm máu, siêu âm. Dù không thể điều trị khỏi, phụ nữ có thể chung sống với bệnh, mang thai tự nhiên nếu sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi lối sống như giảm cân, ăn kiêng, tập thể dục.
Bác sĩ Thúy cho biết chỉ cần giảm 5-10% trọng lượng cơ thể có thể giúp kinh nguyệt đều hơn, cải thiện mức cholesterol, giảm tình trạng kháng insulin và các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường.
Người mắc PCOS nên hạn chế carbohydrate tinh chế như mì ống, gạo, ngũ cốc...; đồ ăn nhiều dầu mỡ; thịt chế biến; chế phẩm từ sữa; sản phẩm có nguồn gốc đậu nành; đồ ngọt; thức uống chứa cồn và có ga; cà phê. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây; thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt omega 3, 6, 9 như cá hồi, cá thu, quả hạch, bơ, dầu ô liu...; thực phẩm giàu kẽm, magie, vitamin nhóm B và men tiêu hóa.
Tập thể dục vừa sức 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần không chỉ giảm cân, giải tỏa căng thẳng mà còn cải thiện quá trình rụng trứng và mức insulin.
Nếu chưa có nhu cầu sinh con, phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thể tránh thai bằng thuốc tránh thai nội tiết, thuốc tiêm, dụng cụ tử cung giúp kinh nguyệt đều đặn, giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Trường hợp khó có thai tự nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt góc buồng trứng hoặc tạo ra các lỗ nhỏ ở buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) để làm giảm nồng độ hormone nam giới, kích thích rụng trứng. Tuy nhiên, phương pháp này rất hạn chế chỉ định do không mang lại hiệu quả cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây các biến chứng như giảm dự trữ buồng trứng, viêm dính ổ bụng.
Phụ nữ mắc bệnh này bị hiếm muộn vẫn có cơ hội làm mẹ nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |