Trả lời:
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng cho trẻ trai uống sữa đậu nành nhiều sẽ bị nữ hóa. Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ thành phần isoflavone có trong đậu nành. Isoflavone là một nhóm chất phytoestrogen (estrogen có nguồn gốc thực vật), có cấu trúc gần giống cấu trúc estrogen ở nữ giới nên thường bị lầm tưởng có ảnh hưởng đến nội tiết tố nam.
Isoflavone được tìm thấy trong các loại đậu bao gồm đậu nành, đậu xanh, đậu tằm, đậu phộng, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt óc chó.... Trong đó, đậu nành là thực phẩm có chứa hàm lượng Isoflavone nhiều nhất. Theo phân tích thành phần thực phẩm cho thấy có khoảng 1,2-4,2 mg isoflavone trong 1 g đậu nành thô.
Các Isoflavone phổ biến thường được tìm thấy ở dạng phân tử bao gồm Daidzin, Genistin, Biochanin A và Formononetin. Các phân tử này có cấu trúc hóa học cơ bản khá giống với estradiol (estrogen 15 và 17-β-estradiol), là một hormon nữ trong cơ thể người. Do đó, isoflavone có khả năng liên kết với các thụ thể estrogen.
Tuy nhiên, trong cơ thể người, các thụ thể estrogen tồn tại ở hai dạng là ERα và ERβ. Các thụ thể estrogen α- ERα có vai trò quan trọng hoạt động estrogen tại tử cung, vùng dưới đồi, tuyến yên sinh dục. Các thụ thể estrogen β- ERβ có vai trò trong hoạt động estrogen tại buồng trứng, hệ tim mạch và não bộ.
Theo đó, isoflavone có các tín hiệu liên kết với thụ thể estrogen β- ERβ và có tác động hiệu ứng đến cơ thể như estrogen lên các mô não bộ, tim mạch, buồng trứng. Ngược lại, isoflavone không có tín hiệu liên kết với thụ thể estrogen α- Erα nên không có tác động đến vùng dưới đồi, tuyến yên sinh dục. Do đó, đây là nguyên nhân tại sao isoflavone không gây nữ hóa ở trẻ trai hay nam giới.
Phụ huynh có thể cho trẻ dùng sữa đậu nành tùy theo sở thích, nhu cầu. Có thể tư vấn thêm bác sĩ để biết lượng uống phù hợp với tình trạng sức khỏe của bé. Người lớn lưu ý chọn sữa đậu nành được nấu chín kỹ, an toàn vệ sinh.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome