Em Quang Tuấn (ngụ Bình Dương) đến phòng khám Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM thăm khám ngày 23/12 với triệu chứng khó thở, mệt nhiều khi gắng sức. Bác sĩ cho biết em bị lõm ngực bẩm sinh. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe, trở thành rào cản tâm lý, khiến em không muốn đến trường và ngại giao tiếp.
Một trường hợp khác là anh Zaw Min (28 tuổi, sinh sống tại Myanmar) cũng vượt hàng ngàn cây số từ quê nhà sang Việt Nam để điều trị bệnh lõm ngực. Vùng ngực anh không bị lõm sâu như em Tuấn nhưng bị lệch một bên (bên phải cao hơn bên trái). Nếu không phẫu thuật sớm, khả năng bệnh sẽ biến chứng, cản trở sinh hoạt và suy giảm sức khỏe.
Trực tiếp thăm khám cho em Tuấn và anh Zaw Min, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, hai trường hợp này đều mắc bệnh lý lõm ngực bẩm sinh độ I. Vì phát hiện muộn, qua tuổi dậy thì nên cả hai đều bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề, trở nên tự ti, khép mình. Phẫu thuật nâng ngực giúp loại bỏ "nút thắt" này, trả lại cho hai bệnh nhân hình dáng ngực bình thường.
Nhờ công tác chuẩn bị tốt, áp dụng kỹ thuật nâng ngực kết hợp phẫu thuật nội soi lồng ngực (Nuss), gây mê giảm đau hiện đại kết hợp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP), hai ca phẫu thuật đặt thanh nâng ngực được tiến hành thuận lợi sau gần một giờ. Thanh nâng đặt đúng vị trí trong lồng ngực, dị dạng phần ngực được khắc phục hoàn toàn. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục nhanh, cơn đau giảm rõ chỉ sau 2-3 ngày.
Theo bác sĩ Dũng, sau khi nâng ngực, bệnh nhân thường rất đau khi thở (do động tác thở ảnh hưởng tới toàn bộ khung xương sườn và lồng ngực). Bệnh nhân càng lớn tuổi, khả năng chịu đau càng giảm. Trường hợp anh Zaw Min còn mắc hội chứng tăng đau bẩm sinh và chưa từng phẫu thuật trước đây nên ngưỡng chịu đau rất thấp. Do đó, cơn đau giảm xuống mức tối thiểu nhưng đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân được đặt lên hàng đầu.
"Với phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống, bằng cách đặt catheter vào khoang cơ dựng sống bên cạnh cột sống, khi bơm thuốc tê vào khoang này sẽ có tác dụng ngăn chặn tín hiệu đau, giảm tối đa tình trạng sử dụng morphin sau mổ. Nhờ đó, bệnh nhân ít đau, có thể tự hít thở, vận động sớm sau mổ", ThS.BS.CKII Hồ Thị Xuân Nga, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ.
Lõm ngực là dị tật thành ngực thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, chỉ tình trạng xương ức của trẻ bị lõm vào trong lồng ngực. Trong những trường hợp nặng, phần giữa ngực bị hõm sâu.
Bác sĩ Dũng cho biết, trước đây phẫu thuật nâng ngực chủ yếu dựa trên tính toán, kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Hầu như bác sĩ chủ yếu đặt thanh "mù", tức là không thấy đường khi đưa thanh nâng vào lồng ngực, nguy cơ gây thủng tim, tổn thương tim, rách phổi, chảy máu trong lồng ngực... là khá lớn. Hiện nay, kỹ thuật nâng ngực kết hợp phẫu thuật nội soi lồng ngực (Nuss) giúp bác sĩ thấy rõ toàn bộ cấu trúc trong tim, hạn chế tối thiểu nguy cơ tổn thương tim, các cơ quan lân cận.
Với phẫu thuật Nuss, bác sĩ chỉ cần mở đường mổ nhỏ hai bên ngực để đưa thanh kim loại vào, luồn dưới xương ức bị lõm để nâng nó lên vị trí bình thường. Các thanh này được gỡ bỏ sau 3-5 năm, khi vùng xương ức đã ổn định. Nhờ kỹ thuật nội soi, bác sĩ có thể nhìn rõ hình ảnh bên trong lồng ngực, thực hiện thao tác chính xác, giảm thiểu tối đa nguy cơ tổn thương tim, phổi, các cơ quan lân cận. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả, ít xâm lấn nhất để đưa ngực trở về hình dạng bình thường.
Bác sĩ Dũng khuyến nghị, lõm ngực cần được phát hiện, can thiệp sớm trước khi trẻ bước vào tuổi dậy thì để tránh chèn ép tim phổi, làm giảm khả năng bơm máu khiến trẻ mệt mỏi, khó thở, nhịp tim nhanh và đau tức ngực. Hơn nữa, lõm ngực không được điều trị sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, khiến trẻ tự ti về ngoại hình khi trưởng thành.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Hạ Vũ