Bé được chẩn đoán viêm phổi lúc 13 ngày tuổi, được bệnh viện địa phương chỉ định uống thuốc 10 ngày, bé chịu bú nhưng bệnh nặng hơn kèm vã mồ hôi, thở nhanh, khó thở, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị. Kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhi có ống động mạch đường kính 4 mm, hở van hai lá nặng, giãn buồng tim trái, dẫn đến suy tim.
Ống động mạch là một phần bình thường của hệ thống tuần hoàn bào thai giúp nối và đưa máu chảy từ động mạch chủ đến động mạch phổi. Sau sinh, bộ phận này thường thu hẹp, đóng lại sau vài ngày. Ống không đóng lại, trẻ dễ mắc các bệnh như bất thường tưới máu não, viêm ruột hoại tử, hội chứng suy hô hấp, bệnh phổi mạn tính.
Ngày 28/9, BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, cho biết bé còn nhỏ, nhẹ cân, viêm phổi tái phát nhiều lần nên được điều trị nội khoa bằng thuốc cải thiện triệu chứng, theo dõi thêm và chờ thông tim.
Sau đó, bác sĩ Phúc can thiệp thông tim đóng ống động mạch bằng dụng cụ cho bệnh nhi. Êkíp bác sĩ đưa một ống thông mỏng vào mạch máu ở bẹn và luồn đến tim trẻ. Thông qua ống thông, một dụng cụ được đưa vào để đóng ống động mạch. Ca can thiệp thành công, bệnh nhân xuất viện sau 4 ngày.
Tái khám với BS.CKI Nguyễn Phạm Thùy Linh, khoa Tim bẩm sinh, bé bú tốt, lên cân đều và không còn ho, thở mệt.
Trẻ còn ống động mạch kích thước lớn không được can thiệp kịp thời có thể khiến dòng máu chảy bất thường từ các động mạch lớn trong tim, tăng áp lực trong buồng tim, làm suy yếu cơ tim. Tình trạng này gây tăng áp phổi (hội chứng Eisenmenger), biến chứng suy tim, viêm nội tâm mạc...
Đây là bệnh tim bẩm sinh thường được phát hiện ở trẻ sinh non. Nhiễm trùng từ mẹ qua thai nhi, yếu tố di truyền, môi trường... cũng là những nguyên nhân gây bệnh. Trẻ mắc bệnh thường bú kém, chậm tăng cân, đổ mồ hôi, thở nhanh hoặc khó thở, dễ mệt mỏi, nhịp tim nhanh.
Nếu ống động mạch không tự đóng lại ở trẻ sinh non, bác sĩ điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trường hợp tình trạng phức tạp hơn như bé Ayũn, khi đủ số cân sẽ can thiệp đóng ống động mạch qua da. Trong trường hợp thuốc và thủ thuật không đáp ứng điều trị, bác sĩ phẫu thuật để thắt ống động mạch bằng chỉ khâu hoặc kẹp.
Bác sĩ Linh cho biết không thể ngăn ngừa tình trạng còn ống động mạch. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia, ăn uống đủ chất, giảm căng thẳng, tiêm ngừa đầy đủ, tập thể dục theo tư vấn của bác sĩ. Trước khi mang thai, phụ nữ cần kiểm soát bệnh đái tháo đường, rối loạn di truyền, thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để giảm nguy cơ gây bệnh ở trẻ.
Đình Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |