Ngày 1/6, ThS.BS Nguyễn Tuấn Long (khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết bé Vân Anh (3 tuổi, Hà Nội) phát hiện còn ống động mạch và được bác sĩ can thiệp bít ống động mạch qua ống thông, xuất viện sau 2 ngày. Đây là dị tật bẩm sinh với tần suất khoảng 81/1.000 trẻ được sinh ra.
Ống động mạch tồn tại trong bào thai giúp thai nhi phát triển bình thường. Sau khi trẻ ra đời, ống này sẽ được đóng lại sau một tuần. Tuy nhiên, một số trẻ ống động mạch không đóng khiến tim hoạt động không bình thường.
Trường hợp bé Vân Anh, bác sĩ thực hiện thủ thuật ít xâm lấn bít ống động mạch dưới hướng dẫn của hệ thống chụp can thiệp mạch số hóa xóa nền (DSA). Sau can thiệp, bé không đau, có thể vận động, chạy nhảy bình thường.
Trước đây, với những bệnh lý tim bẩm sinh, bác sĩ phải mổ đường giữa ngực hoặc đường nách. Hiện kỹ thuật bít ống động mạch qua đường ống thông đơn giản. Phương pháp này chỉ mở đường mổ rất nhỏ (dưới 5 mm) ở đùi, giảm thời gian nằm viện, nhanh phục hồi. Trẻ không đau, có thể vui chơi ngay ngày hôm sau, giảm nguy cơ nhiễm trùng máu, không có vết mổ ở vùng ngực.
Bệnh tim bẩm sinh có thể có biểu hiện rõ ràng nhưng nhiều trường hợp triệu chứng mơ hồ. Trường hợp của bé Vân Anh là một ví dụ. Bé được sinh thường, đủ tháng và phát triển thể chất, vận động bình thường. Gần đây, bé hay ốm vặt hơn nhưng gia đình chỉ nghĩ đến bệnh hô hấp thông thường. Biểu hiện mệt khi chạy giỡn cũng thường gặp ở một đứa trẻ khỏe mạnh.
"Nếu không được phát hiện và điều trị bé có thể bị suy tim hoặc mắc những bệnh lý khác kèm theo, giảm chất lượng sống và tuổi thọ", bác sĩ Long nhấn mạnh.
Bác sĩ Long cho biết, trẻ sau khi được bít ống động mạch sẽ khỏe mạnh bình thường. Từ 15-30 ngày sau can thiệp, trẻ cần hoạt động nhẹ nhàng để dụng cụ bít ổn định, uống thuốc trong 6 tháng. Sau khi trẻ ổn định sức khỏe có thể vận động như trẻ khỏe mạnh.
Bác sĩ Long lý giải thêm bệnh tim bẩm sinh có thể khiến trẻ khó thở, tím tái, suy hô hấp ngay sau sinh. Tuy nhiên, một số trẻ không có biểu hiện lâm sàng. Ví dụ bệnh lý thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch... thường phát hiện nhờ khám sức khỏe hoặc tiêm chủng.
Trẻ có bệnh lý tim bẩm sinh thường chậm phát triển thể chất, cân nặng thấp hơn mức trung bình, dễ mắc bệnh lý hô hấp như viêm phổi...
Theo bác sĩ Tuấn Long ở các nước phát triển, việc sàng lọc bệnh tim bẩm sinh được khuyến nghị thực hiện từ trong thai kỳ bằng siêu âm tim thai và ngay sau sinh bằng cách đo SPO2, siêu âm tim... Với trẻ lớn, siêu âm tim cũng là phương pháp đơn giản giúp tầm soát, phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh "ẩn náu". Thời gian lý tưởng để can thiệp bệnh tim bẩm sinh cho trẻ là trước 2 tuổi.
Thanh Ba