Có lần, tôi chứng kiến cảnh một thanh niên, một tay túm cổ áo người con gái, tay còn lại cầm mũ bảo hiểm đập liên hồi vào đầu cô. Thật là một cảnh tượng hãi hùng. Người con gái đó la hét thất thanh, tôi cũng thất kinh hồn vía, nhưng không biết phải làm gì để giúp cô ấy. Trong sự lúng túng, tôi lo sợ nếu lao vào can ngăn, chắc gã thanh niên kia cho tôi một trận.
Xung quanh tôi lúc ấy cũng có rất nhiều người chứng kiến, nhưng tuyệt nhiên ai cũng cứ lướt qua như không phải chuyện của mình. Cuối cùng, có người bảo vệ giữ xe của quán cà phê gần đấy chạy đến, túm tay nam thanh niên để kết thúc sự việc. Nhưng tôi cá là thói bạo hành của người thanh niên kia sẽ không chấm dứt ở đó.
Vừa qua, vụ bạo hành bé gái 8 tuổi ở TP HCM cũng gây bức xúc trong dư luận. Tôi lên Facebook, bày tỏ sự phẫn nộ đối với những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cái chết thương tâm cho một bé gái mới tuổi tiểu học. Nhưng tôi băn khoăn rằng, liệu sau vụ việc này, thói bạo hành có bị triệt tiêu không? Liệu những tiếng kêu than của những nạn nhân bị bạo hành lẩn khuất trong những con hẻm nhỏ, ở những miền đồi núi xa xôi, có được nghe thấy không?
Chưa kịp nguôi ngoai thì tất cả lại bàng hoàng với vụ bạo hành vừa xảy ra ở Hà Nội. Tôi đọc thông tin trên báo mà cứ ngỡ như đây là một kịch bản trong những bộ phim kinh dị. Rồi tôi lại bức xúc, lên Facebook, viết cho thỏa lòng. Tôi nghĩ quanh quẩn, nghĩ đến cháu bé mới 3 tuổi đã phải chịu những đau đớn tột cùng đến thế, nghĩ đến ông bà và những người thân đang quặn thắt trước thân thể nhỏ bé bị tổn thương. Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nhanh, trừng trị thích đáng những kẻ bạo hành máu lạnh kia.
>> Ly hôn không phải nguyên nhân bạo hành con cái
Nhưng sau tất cả những động thái, những cung bậc cảm xúc trên, nghĩ lại, tôi thấy mình cũng chỉ là một kẻ vô tích sự. La lối trên mạng liệu có đóng góp được gì cho cuộc chiến chống bạo hành, bảo vệ những người dễ bị tổn thương không?
Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ đến tiêu đề một quyển sách có tên "Bức xúc không làm ta vô can". Đúng, tôi không vô can, tôi đã không hành động gì để ngăn người thanh niên cơ bắp đánh cô gái gầy yếu. Tôi đã không tham gia bất kỳ một chiến dịch hay tổ chức chống bạo hành nào cả trong và ngoài nước từ trước tới nay. Nói cách khác, tôi có thể đã gián tiếp khiến cho tình hình bạo hành ở thành phố mình sinh sống, đất nước mình sinh ra ngày càng trở nên tồi tệ và đáng báo động.
Tuy nhiên, thú thực, tôi cũng rất lúng túng. Nếu bảo phải "hành động đi", thì thực ra tôi cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Tôi mong chúng ta có thể lập ra một cơ quan, không chỉ là một đường dây "nóng" luôn trong trạng thái "nguội", để chuyên trách về vấn đề bạo hành. Đó phải là một cơ quan có đầy đủ thẩm quyền để xử lý nhanh nhất, hiệu quả nhất các vụ việc liên quan đến bạo hành; một cơ quan mà những người bị bạo hành có thể tin và trông cậy vào mỗi khi gặp đau đớn. Đó phải là một cơ quan đại diện và hành động cho quyền của những con người bị bạo hành.
Răn đe có hiệu quả vô cùng lớn đối với việc giáo dục ý thức con người, tôi tin là như thế. Tôi sợ rằng, nếu chúng ta không hành động kịp thời, sẽ có thêm nhiều vụ bạo hành thương tâm nữa xảy ra. Đó mới chính là tổn thất không gì bù đắp nổi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.