Xung quanh vụ việc "Học sinh gửi đơn xin đổi giáo viên vì bị đánh", nhiều độc giả VnExpress lên tiếng phản đối việc dùng đòn roi dạy dỗ trẻ và chia sẻ những hậu quả thực tế của hình thức giáo dục này:
Con tôi lớp 4, học tiếp thu chậm, đầu năm tôi đã trao đổi với giáo viên và gửi thầy dạy thêm. Tôi có gửi kèm tiền bồi dưỡng nhưng thầy không lấy, nói là coi nó như con cháu. Thế nhưng, buổi thứ hai đi học thêm, tai phải bị sưng đỏ, hôm thứ ba đến tai trái, hôm thứ tư gò má, hôm thứ năm là trán, sưng tấy và rớm máu, có để lại sẹo. Tôi đã trao đổi thẳng thắn với thầy và từ đó đến nay, con tôi bị bỏ xó.
Giờ một số thầy cô còn dùng cán bộ lớp như công cụ trừng trị các bạn khác. Bé nhà tôi học trường ở Hà Nội, đã xảy ra tình trạng bạn lớp trưởng cầm thước vụt tím tay chân một bạn khác vì không trật tự. Sau đó, nhà trường và phụ huynh phải ngồi lại xử lý, xin lỗi, rút kinh nghiệm. Các bố mẹ nên hỏi han con cái thường xuyên để tránh tình trạng này. Trẻ bị bạn đánh có thể không tổn thương thể xác nhưng tổn thương tâm lý nặng nề, sau có khi sinh ra tâm lý thù hằn.
Ngày xưa tôi học cấp 2, đi học thêm toán nhà thầy, tôi vẫn nhớ ánh mắt thầy nhìn tôi rất kỳ. Thầy hay lại chỗ của tôi và đặt tay lên vai, có lần thầy còn nói tôi ngồi lên đùi, tới giờ tôi vẫn còn ám ảnh. Nghe thầy lấy tay đánh vào mông học sinh nữ tôi thật sự thấy lạnh người.
Cách đây 25 năm, lúc tôi học cấp 2, cả lớp tôi cũng từng làm đơn xin đổi cô giáo chủ nhiệm lớp, vì cô thường xuyên dùng giờ dạy Văn để làm những việc khác: giáo huấn học sinh. Còn chủ yếu cô dạy Văn vào giờ học thêm làm rất nhiều bạn không đi học thêm cô bị đuối vì không biết gì. Sau đó thầy hiệu trường cùng ban phụ huynh và cả lớp phải có một buổi họp để đưa ra giải pháp. Cô phải hứa thay đổi thì lớp tôi mới đồng ý để cô tiếp tục làm chủ nhiệm.
Bố mẹ tôi không bao giờ đánh tôi và cũng không bao giờ cho phép ai sử dụng bạo lực với tôi. Tôi tin rằng rất nhiều cha mẹ ngoài kia cũng văn minh như thế. Nếu đã ủng hộ không bạo lực học sinh thì sẽ không có thành phần nào phải cân nhắc cả.
Đánh con mà ngoan thì nên đánh, nhưng đa số trẻ bị đánh sẽ càng lỳ đòn. Bé nào nhát đòn sẽ mang tâm lý rụt rè, chuyện gì cũng sợ bị đánh nên không phát huy được khả năng, tâm lý này sẽ theo con đến lớn. Trẻ con nếu nói có lý, chúng sẽ nghe và nể phục, nên dạy con bằng cái uy chứ con cái không phải là chỗ để trút giận. Cách dạy "thương cho roi cho vọt" nên thay đổi càng sớm càng tốt.
Các em đã đủ khôn lớn để cảm nhận được hành động xuất phát từ tình yêu thương. Ký đơn tập thể là hành động dũng cảm, có chính kiến của thế hệ trẻ. Khi chứng kiến sự việc sai trái thì việc phản kháng là nên làm. Hành động của thầy giáo là sai trái trên cả tâm lý giới tính lẫn nguyên tắc nghề nghiệp. Kỷ luật bằng hình phạt không phù hợp không tạo nên một con người kỷ luật, mà chỉ tạo nên một con người nhút nhát hoặc mang lòng oán hận.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.