Xung quanh câu chuyện "Khủng hoảng tâm lý vì bị giục lấy chồng", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự đồng cảm khi trải qua những hoàn cảnh tương tự:
Tôi 30 tuổi, cũng bị bố mẹ giục lấy vợ "như giã gạo". Hàng ngày, họ vẫn nhắc liên tục như đài phát thanh lúc 5h sáng. Nhiều hôm, có lúc đang ở trong phòng, tôi thấy mẹ mình lao vào như có chuyện nguy cấp, hỏi ra mới biết thằng em khu phố bên sắp lấy vợ. Mẹ tôi bảo không lấy bây giờ, sau này bố mẹ già không ai chăm con cho, rồi bảo nhìn xung quanh làng trên xóm dưới con cái nhà ai cũng lấy chồng, lấy vợ cả rồi, bạn bè còn mỗi mình tôi là chưa vợ con gì cả. Bố mẹ tôi còn bảo, lấy vợ đi muốn gì cũng cho, không tiếc cái gì cả. Nhiều khi cũng mệt mỏi nhưng nghĩ cho cùng thì bố mẹ cũng vì lo cho mình nên mới vậy.
Thật sự mệt mỏi khi lần nào về nhà cũng điệp khúc: Khi nào lấy chồng? Già lắm rồi đấy. Đó là lý do vì sao Tết tôi không về nhà, vì mỗi khi về là cô dì chú bác, bà hàng xóm mỗi người góp một câu, làm bố mẹ có thêm động lực hối tôi lấy chồng. Tôi đành tặng lưỡi kêu "duyên chưa đến".
Tôi cũng vậy, là nam, 30 tuổi, nhưng đã bảy cái Tết tôi viện lý do bận việc để không về nhà vì cứ về là cả họ hàng, láng giềng hỏi chuyện lập gia đình. Hỏi một lần đã đành. Đằng này họ cứ gặp là hỏi, gặp là mỉa mai, một ngày hỏi cả chục lần vẫn cùng một nội dung. Tôi cũng thấy mệt mỏi vì chuyện này.
Tôi 35 tuổi, chưa chồng và hàng chục năm qua đã chịu đựng tất cả sự mắng chửi, khuyên răn, xỉa xói, nghi ngại của bố mẹ, người thân, đồng nghiệp, bạn bè... Tôi buồn, khóc, tủi thân, tự ti. Sau tất cả, giờ tôi cảm thấy bình thản. Vẫn chờ đợi một ngày duyên đến.
>> 'Không bỏ việc lương cao để về quê lấy vợ'
Nói về quan niệm "lấy vợ, gả chồng để cha mẹ yên lòng", nhiều ý kiến phản đối cho rằng:
Lấy chồng có thật sự là giải thoát cho cha mẹ? Cha mẹ luôn mong muốn con yên bề gia thất, nhưng nếu không lấy được người yêu thương thật sự thì sao? Có phải lại lỡ dở một đời người không? Hơn nữa, cuộc sống hôn nhân hiện nay với chi phí đắt đỏ và ngày càng tăng, nếu không có sự nghiệp, không có tài chính thì chẳng mấy chốc áp lực cuộc sống sẽ khiến cho cuộc hôn nhân dần trở nên mệt mỏi và nhiều gánh nặng. Nếu được chọn lại, tôi sẽ vẫn yêu chồng tôi, nhưng tôi sẽ không kết hôn, không ràng buộc nhau bằng một tờ giấy và các mối quan hệ loằng ngoằng.
Tôi dạy con, cho con học hành kiến thức tử tế, tư duy độc lập. Còn chuyện nó yêu ai, lấy chồng hay không lấy chồng, đẻ con hay không đẻ, đó là quyền tự do cá nhân của nó, tôi không can thiệp. Đủ kiến thức, đủ tư duy thì tự quyết lấy, sao cứ phải sống cho vui lòng thiên hạ, họ có cho mình đồng nào đâu, có giúp mình cái gì đâu, sao lại để những lời nói như gió thoảng kia ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc của bản thân? Đời sống có một lần, bơ thiên hạ đi.
Giờ tôi đang rất hạnh phúc và đầy đủ, nhưng tôi vẫn bảo các con tôi rằng "lấy vợ hay chồng không quan trọng, bố mẹ sẽ không bao giờ thúc ép, giục giã các con. Khi nào các con thấy bản thân tự lo được cho gia đình của mình, thấy chín chắn thì hãy lấy. Có thể 30, 35 hoặc 55 tuổi quyết định cũng không vội, miễn sao đừng lấy quá sớm để đổ vỡ, cái đó mới đáng sợ". Không có con cái cũng không thành vấn đề nặng nề. Cứ cuống lên lấy bừa một ai đó để vừa lòng bố mẹ thì bản thân sẽ rất hối hận mà không dám thay đổi. Và bố mẹ cũng đừng nghĩ là lập gia đình là quan trọng nhất trong cuộc đời. Quan trọng nhất là bạn sống với ai, sống như thế nào, bạn thấy nó vui vẻ, phù hợp với bạn... đó mới là cuộc sống.
Nhiều người mơ mơ hồ hồ, lấy chồng vì mong muốn của gia đình và xã hội trong khi bản thân chưa đủ sẵn sàng về kinh tế và thời gian. Để rồi đứa con sinh ra phải sống dặt dẹo vì nghèo đói, sinh hoạt trong căn nhà trọ cũ nát chưa tới hai triệu đồng, thiếu ăn thiếu mặc, không được học vẽ tranh, đàn hát, thể thao như bạn bè. 12 năm trời phải cực khổ học tập để thi vào Kinh tế, Bách khoa, kiếm cái nghề giống đời ba mẹ. Thà chẳng sinh ra con còn hơn để con phải mặc cảm và hận cha mẹ.
Lấy chồng là tự nguyện, là quyền và lựa chọn không bắt buộc của mỗi người phụ nữ. Nhiều cha mẹ sinh con rồi mặc nhiên cho rằng con cái là vật sở hữu của bản thân. Cho mình cái quyền quyết định tương lai của con. Sợ áp lực xã hội nên chuyển sang áp lực lên con cái. Vậy là thương yêu con mình thật ư?
Mọi người có suy nghĩ riêng của mỗi người. Đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi. Tôi không lấy chồng vì tôi đủ sức lo cho bản thân và cha mẹ tôi, nhưng không có gen tốt để sinh ra một đứa trẻ xinh đẹp khỏe mạnh, không đủ giàu để cho con học trường tư du học trong tương lai, không đủ may mắn để tìm được người chồng tốt, không đủ vị tha với kẻ phản bội, không đủ rảnh rỗi để lo cho cha mẹ người dưng, không đủ mềm yếu để làm cái thảm lót chân cho người đời.
Tôi vẫn đang cố gắng hết sức để về già có thể đi định cư, vào viện dưỡng lão tốt, thuê điều dưỡng tốt lo cho bản thân. Xã hội chẳng nuôi tôi khôn lớn, tôi không thể nghe xã hội mà sống được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.