(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trừ những người ở quê lập gia đình sớm, người nào cũng từng đi qua thời kỳ độc thân (từ 22-32 tuổi). Ngay cả tôi cũng không phải ngoại lệ. Tôi học đại học kỹ thuật, nơi mà tỷ lệ nữ/ nam sinh viên không quá 5%, có khoa toàn bộ là nam sinh không có nổi một cô gái. Chúng tôi ganh tỵ với các nam sinh trường Sư phạm, Y Dược, Kinh Tế, Tài Chính, Tổng Hợp (nay gọi là Khoa học xã hội và nhân văn) có tỷ lệ nữ sinh ngang ngửa với nam sinh.
Trong trường, nam sinh chia làm ba nhóm: một nhóm đã có bạn gái từ thời học phổ thông, một nhóm đang tập tành yêu đương, nhóm còn lại (chiếm đa số, áp đảo) chưa có một mảnh tình vắt vai. Nhóm thứ ba chỉ lo học, nhưng mỗi khi có ai nhắc đến chuyện tình cảm thì tập trung bu lại nghe, tôi cũng thuộc nhóm này. 20 sinh viên mới có một nữ sinh thì nhóm thứ ba làm sao có cơ hội? Lo học mà ra trường thôi.
Ra trường, tôi xin được việc làm ở công ty Nhà nước, một công ty cấp Trung ương có số lượng nhân viên gần 3.000 người, trong đó khối văn phòng đã hơn 200 người. Trong hơn 200 người này, người đã có gia đình chiếm quá nửa. "Hàng tồn kho" (lớn hơn tôi 10–15 tuổi) chiếm gần 1/3, gần 20% còn lại là những người từ 32 tuổi trở xuống, trong đó tôi là một trong số ít ỏi những người nhỏ tuổi nhất.
>> Hội bạn gái 'không xấu, không vô duyên, không lấy được chồng'
Rồi tôi cũng quen được một cô kế toán trung cấp ở phòng tài vụ. Tình cảm nồng ấm, chỉ còn chờ đến ngày lên xe hoa. Không may, gia đình hai bên biết được, không bên nào đồng ý. Lý do của các bậc cha mẹ nhiều khi con cái không hiểu được. Chúng tôi chia tay trong im lặng. Người thứ hai tôi quen là một nhân viên ngân hàng trình độ đại học. Rồi cũng chẳng đi đến đâu vì gia đình cô ấy không đồng ý. Mẹ tôi bệnh, người quen giới thiệu một cô bác sĩ tập sự đến chăm sóc mẹ tôi. Đó cũng là cô gái thứ ba tôi tìm hiểu. Rút kinh nghiệm từ hai lần thất bại trước, lần này tôi chủ động tìm đến nhà làm quen người thân (cha mẹ, anh chị em ruột, họ hàng) của cô ấy. Thành công ngoài mong đợi, chỉ ba tháng quen nhau, chúng tôi đã đi đến hôn nhân với sự ủng hộ của cả hai bên gia đình.
Sau mấy năm "vợ chồng son", chúng tôi có con. Thời gian đầu khi bé chưa cứng cáp, có ông bà phụ giúp. Bé được 2 tuổi, chúng tôi đem gửi nhà trẻ, tôi lo chuyện đưa đón con và làm công việc nhà bất cứ lúc nào có thể để vợ tôi tập trung học. Hết chuyên khoa 1 lại đến chuyên khoa 2, rồi thi ngạch chuyên viên, bên y tế gọi là bác sỹ cọc 1, cọc 2, cọc 3... Xong chuyên viên lại đến thi lên ngạch bác sĩ chính. Đến lúc ấy, vợ tôi đã hoàn toàn "đụng trần" về mặt học vấn và kỹ năng nghề nghiệp. Từ lúc đó, cô ấy đã bắt đầu kiếm được tiền nhiều hơn tôi. Lúc này, chúng tôi đã ngoài 40 tuổi. Gia đình đã có cuộc sống vật chất sung túc.
>> Vì sao nhiều người trẻ sợ kết hôn?
Hạnh phúc – hôn nhân phải do tự mình đi tìm, chẳng ai tìm thay được. Phụ nữ có cái khó của phụ nữ, bất kể là phương Đông hay phương Tây, còn đàn ông phải ngỏ lời trước. Yêu nhau mà không ngỏ lời trước là thất bại. Nhiều lần thất bại mà không rút ra được bài học gì thì vô phương, chứng tỏ bạn không coi trọng chuyện tình cảm. Tôi quen biết khá nhiều người độc thân từ 30 đến 60 tuổi. Người muốn sống độc thân ngay từ đầu rất ít. Đa phần là người nhiều lần thất bại trước và sau hôn nhân, họ chán, họ buông xuôi. Cứ mỗi lần thất bại thì họ lại lao vào công việc để quên đi chuyện buồn. Nhưng, thời gian là vô tình, cứ âm thầm lặng lẽ trôi qua không ai hay biết. Cho đến khi người ta ý thức được vấn đề tuổi tác thì đã muộn.
Độc thân có thể kiếm được nhiều tiền nhưng nhiều người trong số họ lại có một cuộc sống vô mục đích, nhất là những người ở độ tuổi ngoài 40. Ngoài 50, họ giống như những cái bóng trong xã hội, không được ai quan tâm. Ngoài 60 họ trở thành "người già neo đơn không nơi nương tựa". Tôi không áp đặt ai cả, chỉ muốn nhắn nhủ các bạn rằng, nếu để ý và tận dụng thời gian thì thời gian sẽ rất dài. Ngược lại, nếu không, như một tác giả nào đó viết "thời gian trôi qua như bóng câu qua cửa sổ". Nhìn qua cửa sổ, ta thấy con ngựa thấp thoáng ở xa đang chạy đến, lúc ấy ta vẫn còn trẻ. Khi con ngựa đã sắp mất hút khỏi tầm nhìn thì ta đã ở tuổi xế chiều.
30 năm trước, tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng có ngày mình sẽ bằng tuổi cha mình ngày xưa. Còn cha tôi bây giờ đã là một cụ già nhớ trước quên sau, thậm chí có khi còn không nhớ được tôi là ai? Hằng ngày, tôi vẫn phải nhắc cụ sinh hoạt và uống thuốc đúng giờ. Rồi sẽ có ngày, chính tôi sẽ trở thành một cụ già như thế. Thật không thể tưởng tượng được nếu lúc đó không có người thân bên cạnh, tôi sẽ ra sao?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây
Lâm