Mới trước đó nửa tiếng, Giang, nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi còn cùng mẹ chuẩn bị cơm cúng giao thừa. "Thời điểm sum họp cuối cùng lại trở thành cơn ác mộng", Giang nhớ lại.
Bố Giang mất sớm, mình mẹ cô làm ruộng nuôi hai con gái. Hiện Giang làm việc trên Hà Nội còn mẹ sống cùng gia đình chị gái.
Nhà nghèo nên từ khi con gái đang học cấp ba, mẹ Giang đã giục cô lấy chồng. Không muốn mình bị trói buộc tương lai vào chuyện chồng con nên Giang tìm cách thoát khỏi sự sắp đặt của mẹ bằng cách học đại học. Thi đỗ và lên Hà Nội học, cô tự làm thêm ở quán ăn, lấy tiền trang trải cuộc sống.
Năm 26 tuổi, Giang có mối tình đầu. Bạn trai cô là đồng nghiệp cùng công ty, người Mỹ, bằng tuổi. Yêu được nửa năm, Giang đưa anh này về gặp gia đình. Mẹ cô ban đầu phản đối vì sợ mất con khi lấy chồng xa nhưng dần dà, bà cũng đồng ý, gọi bạn trai con là "con rể". Cứ hai tuần một lần, Giang và người yêu lại về quê, không quên đem theo quà bánh biếu mẹ. "Thời điểm đó, ai cũng nghĩ chúng tôi sẽ cưới nhau. Nghe hàng xóm nói con lai thường rất đẹp, mẹ tôi vui lắm", Giang kể.
Gần hai năm trôi qua, không có đám cưới nào diễn ra. Bạn trai Giang lấy lý do sự nghiệp chưa ổn định nên chưa muốn cưới. Cuối năm 2018, Giang phát hiện ra anh này ngoại tình nên quyết định cắt đứt. Gần một năm sau, cô vẫn chưa nguôi ngoai, nghe ai nhắc tên người yêu cũ là khóc.
Nghe tin con gái chia tay, ban đầu mẹ Giang không nói gì. "Nhưng chỉ yên được sáu tháng, sau đó bà bắt đầu 'nhả đạn', cứ gặp con là giục lấy chồng", nữ nhân viên văn phòng nói.
Tin rằng "lấy chồng mới quên được người cũ", mẹ Giang thúc giục con gái đi xem mắt, thậm chí còn chủ động giới thiệu cho con năm chàng trai gần nhà. Cứ bữa cơm nào có Giang, bà lại nhắc: "Lấy chồng đi kẻo muộn". Nghe con nói muốn kiếm tiền đi du lịch, bà mắng: "Để tiền mà lấy chồng".
Đêm giao thừa, việc kết hôn của Giang lại bị bà mẹ đem ra đay nghiến. Đang chuẩn bị cơm cúng, mẹ Giang quay sang hỏi cô: "Thế bao giờ lấy chồng?". Giang bảo "chưa biết" thì bị mắng là bất hiếu. "Mẹ tôi còn khóc, bảo kiếp trước tạo nghiệp gì mà nhà vô đức, con gái không lấy được chồng và đòi đi gặp bố tôi", cô gái 29 tuổi kể.
Nghe lời mẹ nói, Giang òa khóc theo. Cô biết mẹ chịu sức ép từ nhà nội, chưa kể hàng xóm còn mỉa mai vì cô chưa lấy chồng. Nhưng "người ngoài nói thì kệ, đây là mẹ mình nói thì không thể chịu được".
Giang vừa tức giận vừa tủi thân, cảm thấy giá trị của mình chỉ được đo đếm bằng người chồng. Cô bỏ việc đang làm, ôm đồ đạc, lấy xe máy quay lại Hà Nội, mặc cho chị gái can ngăn.
Mùng hai Tết, Giang gọi điện cho mẹ, tuyên bố sẽ đi du lịch hết các kỳ nghỉ, không về nữa. Chị gái cố làm hòa nhưng mẹ vẫn nói "giỏi đến đâu mà không có chồng thì vứt" nên Giang kiên quyết không về. Mùa dịch Covid-19, cô chỉ hỏi thăm mẹ qua chị gái.
"Tôi biết mẹ chỉ lo cho mình, cũng bị áp lực xung quanh nữa nhưng vẫn tức nên cứ kệ", Giang nói. Đến nay, nhiều đêm cô vẫn mơ thấy bị mẹ từ mặt vì không lấy chồng.
Cũng như Giang, Nguyễn Thùy Vân "ăn không ngon, ngủ không yên" vì chuyện kết hôn. Đợt giãn cách xã hội vì Covid-19, nữ lập trình viên sinh năm 1990 về nhà bố mẹ ở Thái Bình, mỗi ngày bị giục lấy chồng ba lần. Cứ nhìn thấy Vân, bố cô lại nói: "Cả thế giới chuyển động, mày thì luôn đứng". Mẹ cô hùa theo: "Bằng tuổi mày, người ta đã con bồng cháu bế rồi chứ không ngồi đấy mà ôm máy tính đâu". Mỗi lần như thế, Vân cáu lên, giọng gắt gỏng: "Con biết rồi".
Mệt mỏi vì những lời nói của bố mẹ, Vân ở lỳ trong phòng, chỉ ra ngoài khi tới giờ cơm. Ngồi ăn, cô chan canh với cơm, "nuốt luôn chứ không nhai" vì muốn kết thúc bữa cơm thật nhanh, đỡ phải nghe bố mẹ cằn nhằn.
Trong ba tuần, Vân sụt 4 kg. Đêm đến, cô hay trằn trọc, khiến da nổi mụn đầy mặt. "Chỉ mong sớm đi làm lại, ở nhà vừa điên đầu vừa xuống sắc", Vân nói.
Hết giãn cách xã hội, Vân lên Hà Nội, tạm thở phào vì không phải chịu đựng "điệp khúc" của bố mẹ nữa. Tuy nhiên, trong thâm tâm, cô tự thấy lo lắng. Ở tuổi 30, Vân chưa một mảnh tình vắt vai, thậm chí chưa bao giờ nắm tay đàn ông. "Có thể do tôi cao chưa đến 1,5 m, lại làm lập trình nên chả ai dám gần chăng", cô đặt câu hỏi.
Từ đầu tháng 5, Vân lên các website hẹn hò, tìm kiếm đối tượng. Cô cũng bình luận ở trang cá nhân của bạn bè rằng mình đang ế để mong có người chú ý.
Tuần trước, bạn của Vân giới thiệu cho cô một người đàn ông 35 tuổi, làm nhân viên bán xe ôtô. Suốt buổi hẹn, anh ta chỉ than nghèo, Vân "như bị đấm vào tai" nhưng vẫn gắng tỏ ra vui vẻ và hẹn tuần tới gặp lại.
"Tôi phải cố cưới trong năm nay, có thế bố mẹ mới yên tâm", Vân nói, dù biết rằng trong họ có người vì cưới vội mà không hạnh phúc, cuối cùng vẫn ly hôn.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh, các ông bố, bà mẹ Việt Nam hay ép con cái kết hôn vì nghĩ đó là điều tốt. Họ coi kết hôn là một chuẩn mực chung, một điều kiện thiết yếu để có một cuộc sống bình thường, yên ổn.
Ngoài ra, bố mẹ Việt Nam thường nghĩ rằng mình cần khuyên bảo, định hướng cho con cái bởi chúng còn bé, chưa có kinh nghiệm và không hiểu rõ cuộc sống sau này thế nào. Thấy con làm sai (so với chuẩn mực, suy nghĩ của mình), phụ huynh càng thúc giục con lập gia đình mà không hề biết rằng nếu lặp đi lặp lại, những lời khuyên bảo con cái của bố mẹ có thể gây ra sự khó chịu.
"Thậm chí, trong một số trường hợp, thúc ép con cái kết hôn trở thành một dạng bạo hành tinh thần", tiến sĩ Minh nhận định. Đặc biệt, khi thấy con cái phản ứng, các bố mẹ càng muốn nói bởi nghĩ rằng lời khuyên của mình vẫn còn trọng lượng. Nếu việc này kéo dài, cả con cái lẫn bố mẹ đều có thể bị ảnh hưởng.
"Bố mẹ rất quan trọng với con cái nên những lời nói của họ tác động đến con cái nặng nề. Tuy nhiên, không ai chịu đựng được mãi, sẽ đến lúc nào đó con cái cảm thấy không công bằng và từ chối sự ảnh hưởng của bố mẹ bằng cách bỏ đi", tiến sĩ Minh nói.
Có quan điểm khác về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An cho rằng, mỗi người có ý nghĩ khác nhau về chuyện kết hôn. Để duy trì tình cảm gia đình, các thành viên nên học cách lắng nghe và tôn trọng mong muốn của nhau. Bố mẹ nên hiểu con cái quan niệm hạnh phúc là như thế nào, con cái nên hiểu vì sao chuyện mình kết hôn lại quan trọng với bố mẹ.
"Đằng sau mỗi lời phàn nàn là một mong muốn bị giấu kín. Một người mẹ mắng con sao mãi không lấy chồng có thể chỉ lo con mình chưa đủ trưởng thành", thạc sĩ An lý giải.
Các bên cần đào sâu tìm hiểu xem mong muốn thực sự của nhau là gì và biến nó thành yêu cầu, bày tỏ một cách rõ ràng bằng lời nói. Ví dụ, bố mẹ thay vì nói "sao con không chịu kết hôn" thì hãy nói "con làm thế nào cho bố mẹ yên tâm đi". Lưu ý, khi trao đổi với nhau, đừng để cảm xúc bị chi phối mà to tiếng. "Nếu bạn giải thích với sự bình tĩnh, bền bỉ, mọi chuyện sẽ chuyển biến theo hướng tích cực", thạc sĩ An nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Minh Trang