Theo Th.S Nguyễn Anh Duy Tùng - Bác sĩ Trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, đối với trẻ nhỏ, sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng đặc biệt trong những năm đầu đời. Trong sữa có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất cần thiết giúp trẻ xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh, phát triển trí não, thể chất. Đồng thời, sữa cũng giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ suy dinh dưỡng thường gặp ở độ tuổi từ 0 đến 10 tuổi.
Lactose (tên tiếng Anh là lactose intolerance) là một loại đường được tạo thành từ hai phân tử đường đơn glucose, galactose. Đường lactose có trong sữa mẹ, sữa công thức, trong những thực phẩm được làm từ sữa. Để hấp thụ lactose, cơ thể trẻ phải phân tách được hai phân tử glucose, galactose nhờ một loại enzyme gọi là lactase, được tìm thấy trong niêm mạc ruột non. Nếu hệ tiêu hóa của trẻ không có hoặc không thể tiết ra đủ lượng enzyme lactase thì sẽ gây ra hiện tượng không dung nạp đường lactose.
Khi đó, thay vì được phân giải và cơ thể hấp thụ, đường lactose dư thừa sẽ theo xuống đại tràng, các vi khuẩn ở đây sẽ tương tác, biến nó thành axit lactic, carbon dioxide, gây ra các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, sôi bụng, khó chịu, xì hơi nhiều, biếng ăn. Nếu trẻ càng tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa đường lactose, các triệu chứng bất dung nạp lactose sẽ càng trở nên trầm trọng. Bé sẽ có các triệu chứng buồn nôn và nôn, đi ngoài phân chua, phân lỏng có bọt khí, tiêu chảy (gây hăm đỏ da quanh hậu môn), chuột rút...
Dựa vào những yếu tố tác động khiến trẻ không dung nạp lactose trong sữa, ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng cho biết có 3 hình thức bất dung nạp lactose mà trẻ thường gặp bao gồm:
Bất dung nạp lactose nguyên phát: thường xảy ra ở những trẻ đã lớn với chế độ dinh dưỡng thay đổi thường xuyên, ít sử dụng hoặc bị cắt giảm hoàn toàn các sản phẩm sữa hoặc chế phẩm từ sữa. Khi bắt đầu sử dụng trở lại các thực phẩm từ sữa, trẻ không dung nạp lactose vì cơ thể thiếu enzyme lactase tương đối.
Bất dung nạp lactose thứ phát: sau một đợt tổn thương đường ruột do vi khuẩn, virus, ruột non của trẻ dễ bị tổn thương, xảy ra hiện tượng bất dung nạp lactose trong sữa. Nếu các vấn đề về hệ tiêu hóa được giải quyết, các triệu chứng của bất dung nạp lactose cũng sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu hệ tiêu hóa vẫn chưa hồi phục mà trẻ lại tiếp tục bị tiêu chảy do bất dung nạp lactose thì lượng enzyme lactase sẽ giảm sút nghiêm trọng, càng khiến tiêu chảy kéo dài, trầm trọng hơn.
Bất dung nạp lactose bẩm sinh: tỷ lệ trẻ mắc phải bất dung nạp lactose bẩm sinh khá thấp (chỉ một trong 1.000 trẻ sinh ra). Trường hợp này thường dễ xảy ra ở trẻ sinh non hơn vì lượng enzyme lactase thường phát triển mạnh trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu trẻ sinh non thì cả hệ tiêu hóa và lượng enzyme lactase đều dễ bị thiếu hụt. Ngoài ra, bất dung nạp lactose còn có thể do rối loạn nhiễm sắc thể gây ngăn cản hệ tiêu hóa sản sinh ra enzyme lactase.
Tuy vậy, theo ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, nhìn chung tình trạng không dung nạp lactose thường gặp ở những trường hợp: trẻ không có khả năng tiêu hóa, hấp thu đường lactose, trẻ sinh non, trẻ vị thành niên không uống được sữa do cơ thể có ít enzyme lactase; bé bố mẹ mắc chứng bất dung nạp lactose; trẻ mắc các bệnh ảnh hưởng đến ruột non có thể gây ra tình trạng không dung nạp lactose...
Bất dung nạp lactose nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tốc độ phát triển của trẻ. Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, thiếu canxi và vitamin D, đồng thời suy dinh dưỡng nặng, ăn uống kém, chậm hồi phục niêm mạc ruột. Bên cạnh đó, trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy kéo dài, trở thành tiêu chảy mạn tính.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng bất dung nạp lactose và có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám và điều trị thích hợp. Bác sĩ sẽ tìm hiểu thông tin của trẻ, tiến hành các xét nghiệm đo chỉ số canxi, các vi chất (bởi thiếu lactose sẽ khiến trẻ khó hấp thu canxi và các vi chất khác) để đánh giá tình trạng của trẻ.
Dựa vào mức độ thiếu hụt dưỡng chất, bác sĩ sẽ tư vấn và xây dựng thực đơn phù hợp. Điều này giúp bố mẹ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho con kịp thời, tránh hoặc hạn chế tác động xấu của tình trạng bất dung nạp đường lactose ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh.
Việt Hân