BS.CKI Lê Nguyễn Thủy Vy, Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cả bệnh sởi và tay chân miệng đều thường gặp ở trẻ em và có nguy cơ lây thành dịch. Hiện nay là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa, dịch sởi cũng đang lây lan mạnh tại các tỉnh phía Nam. Phân biệt đúng ban sởi và ban tay chân miệng từ sớm giúp điều trị đúng cách, giảm nguy cơ biến chứng.
Theo bác sĩ Vy, điểm giống nhau của hai loại ban này là cùng xuất hiện sau khi người bệnh bị sốt vài ngày. Ban không gây ngứa, không đau. Ban sởi thường nổi sau 3-4 ngày sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kèm theo viêm kết mạc, đỏ mắt, chảy nước mắt, viêm xuất tiết mũi và họng; chảy nước mũi, ho... Bệnh tay chân miệng thường biểu hiện sốt nhẹ trong 1-2 ngày, kèm theo mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy. Một số trường hợp nặng trẻ có thể sốt cao.
Ban tay chân miệng thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông, cùi chỏ và không theo trình tự nào. Chúng tồn tại trong thời gian ngắn, thường dưới 7 ngày, kèm loét miệng, sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
Ngược lại, ban sởi xuất hiện theo thứ tự không gian và thời gian, kéo dài khoảng 6 ngày. Ban mọc từ đầu, mặt xuống chân trong vòng khoảng ba ngày theo thứ tự. Ngày thứ nhất, bắt đầu ở đầu và cổ (sau tai, chân tóc lan qua da đầu - mặt rồi tới cổ). Ngày thứ hai, ban lan xuống ngực và tay. Ngày thứ ba, ban lan tới bụng, thắt lưng và chân. Thường khi ban đã mọc hết ở chân (hết ngày thứ ba của giai đoạn toàn phát) thì ban vùng mặt bắt đầu sậm màu và lặn dần cũng theo trình tự như trên (mọc trước thì lặn trước).
Khi bay ban, màu ban nhạt dần, chuyển từ đỏ sang màu xám, bong vảy phấn, thường để lại vết thâm (tăng sắc tố sau viêm). Những mảng da thâm xen với mảng da bình thường tạo thành dấu hiệu "vằn da hổ" nổi bật của bệnh sởi. Những vệt da loang lổ này tự đều màu sau vài tháng mà không cần điều trị.
Koplik là dấu hiệu bệnh sởi rất đặc trưng, xuất hiện sau khi có triệu chứng viêm đường hô hấp khoảng 1-2 ngày (trước khi phát ban khoảng hai ngày). Các chấm này có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trong niêm mạc miệng. Lúc đầu chỉ một vài chấm nhỏ có quầng viêm đỏ xung quanh, nhưng số lượng tăng lên nhanh chóng và lan rộng, đạt được số lượng tối đa vào cuối giai đoạn viêm đường hô hấp, nhanh chóng biến mất vài ngày sau đó.
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sởi hoặc tay chân miệng, người bệnh cần khám tại các cơ sở y tế. Ngoài các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ khai thác bệnh sử để có thể chẩn đoán bệnh chính xác và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp. Bác sĩ Vy khuyến cáo mọi người không nên tự đoán bệnh, tự chữa bệnh tại nhà sai cách làm tăng nguy cơ trở nặng, biến chứng.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |