Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, có thể bùng phát thành dịch, do virus Morbili gây ra. Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine phòng sởi. Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm giác mạc gây mù lòa, viêm tai giữa gây điếc, viêm não, tử vong.
TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, phụ trách chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngoài các triệu chứng sốt cao, ho khan, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, bệnh sởi còn nổi ban trên da. Đây là dấu hiệu bệnh rất đặc trưng, nhưng chỉ xuất hiện từ giai đoạn bệnh toàn phát và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh có ban da khác như rubella, phát ban mùa xuân, tay chân miệng, sốt mò...
Khi hết giai đoạn khởi phát, sau khi sốt cao 3-4 ngày, bệnh vào giai đoạn toàn phát, bắt đầu phát ban, còn gọi là mọc sởi. Ban thường xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, bắt đầu nổi từ sau tai, gáy lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai ban mọc đến tay, bụng, đùi. Ngày thứ ba ban mọc đến hai chi dưới, lòng bàn chân.
Đặc điểm ban sởi là không ngứa, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, màu đỏ tía, sờ mịn, hình tròn hay bầu dục, kết thành đám tròn 3-6 mm. Xen kẽ giữa các mảng ban sởi có các mảng da lành. Ban kéo dài khoảng 6 ngày.
Khi ban nổi khắp toàn thân, bệnh vào giai đoạn hồi phục, bắt đầu giảm sốt và dần hết ban tuần tự giống khi mọc. Lúc này nếu không có biến chứng, bệnh tự khỏi. Nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám, bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm. Những chỗ da thâm đen hình thành sau khi ban đỏ giảm màu sắc và chỗ da bình thường tạo nên màu da loang lổ gọi là dấu hiệu "vằn da hổ" - dấu hiệu nổi bật để chẩn đoán bệnh sởi.
Ngoài ban trên da, người bệnh có thể nổi nội ban (gọi là hạt Koplick), ở thời kỳ bệnh toàn phát. Ban là các hạt trắng, nhỏ 0,5-1 mm như đầu đinh ghim, có quầng ban đỏ xung quanh, mọc ở niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm). Các hạt Koplick thường tồn tại 24-48 giờ. Đây là dấu hiệu giúp chẩn đoán sởi sớm và chắc chắn, theo bác sĩ Bích.
Nếu mắc sởi nặng (thể ác tính), người bệnh có thể bị tím tái da, xuất huyết dưới da ở cuối giai đoạn khởi phát, trước lúc mọc ban. Cùng lúc sẽ có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột 39-41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, nôn, tiêu chảy... Lúc này, người bệnh cần nhập viện để được điều trị ngay.
Bác sĩ Bích cho biết với một số bệnh có phát ban khác, như rubella hay tay chân miệng (nhiễm enterovirus), phát ban không có trình tự, ban có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, cùng lúc. Nếu sốt mò thì ngoài ban còn có vết loét hoại tử do côn trùng đốt. Trẻ bị phát ban mùa xuân thì sau khi hết sốt ban mới mọc.
Sởi lưu hành quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân ở vùng khí hậu ôn đới và mùa khô ở vùng nhiệt đới. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh. Bác sĩ Bích khuyến cáo phụ huynh tiêm vaccine sởi đầy đủ cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Khi được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng sởi, trẻ có khả năng miễn dịch đến 99%, giảm nguy cơ biến chứng nếu mắc bệnh.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |