ThS.BS Nguyễn Thùy Linh (khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, các bài tập phục hồi chức năng ống Eustachian (ETR) được phát triển ở Pháp 30 năm trước. Đây là phương pháp điều trị giúp đóng mở ống vòi tai bằng cách sử dụng kết hợp các phương pháp bao gồm vệ sinh mũi và đường thở, các bài tập tăng cường cơ hoành và nín thở.
Mục tiêu của các bài tập thực hành chức năng ống vòi tai là cho phép hoạt động của cơ thắt hầu họng thông qua các cử động của lưỡi, vòm miệng và hàm có thể tách biệt hoặc phối hợp. Có nhiều bài tập phục hồi chức năng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là nghiệm pháp Valsava hoặc nhai kẹo cao su.
Nghiệm pháp Valsava
Nghiệm pháp Valsalva là một phương pháp thở ra thật mạnh bằng miệng, đồng thời bịt chặt mũi. Điều này tạo ra một lực căng làm tăng áp suất không khí như khi đi trên máy bay, giúp ống vòi tai mở ra.
Cách thực hiện nghiệm pháp Valsalva bằng cách cho trẻ ngồi hoặc nằm; hít thở sâu và nín thở đồng thời thít hai cánh mũi lại; miệng ngậm kín, phồng miệng; sau đó gập người thật mạnh và thở ra bằng miệng.
Nhai kẹo cai su
Nhai kẹo cao su sẽ kích hoạt các cử động của hàm, từ đó, làm tăng lưu lượng nước bọt, tốc độ nuốt và tốc độ kích hoạt các cơ vùng hầu họng. Tất cả những điều này giúp mở loa vòi tai, cải thiện tình trạng tắc nghẽn, ứ dịch. Bác sĩ Linh lưu ý, với liệu pháp nhai kẹo cao su, phụ huynh không nên rời mắt khỏi bé để tránh nguy cơ bé nuốt bã kẹo.
Viêm tai giữa ứ dịch (OME) là tình trạng ứ dịch, không có mủ của tai giữa. Dịch tai có thể là dịch trong, dịch nhầy hoặc huyết thanh nhưng không có triệu chứng nhiễm trùng cấp tính.
Trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa ứ dịch vì ống Eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng) thường ngắn, mềm, nằm ngang và chức năng kém hơn người lớn. Ngoài ra, hít hơi không đúng cách gây áp lực âm trong tai giữa, dẫn đến màng nhĩ bị co lại, ứ đọng dịch trong ống tai.
Bác sĩ Linh gợi ý, phụ huynh có thể hướng dẫn trẻ thực hành các bài tập thở qua đường mũi và cơ hoành để đạt được sự đồng bộ giữa thở bằng mũi và cơ hoành. Luyện tập các bài tập thở giãn nở lỗ mũi, nuốt - ngáp mở ống tai cũng cải thiện các triệu chứng.
Tuy nhiên, với viêm tai giữa ứ dịch nghiêm trọng như có biến chứng tổn thương cấu trúc màng nhĩ và nguy cơ mắc các vấn đề về thính lực, ngôn ngữ hoặc ảnh hưởng học tập, trẻ có thể cần can thiệp phẫu thuật. Việc điều trị bằng thuốc kháng histamin, thuốc thông mũi, thuốc kháng vi trùng và corticosteroid... cũng được chỉ định tùy từng trường hợp cụ thể. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ theo dõi và xử trí phù hợp.
Nguyên Phương