Tác giả Vũ Thị Minh Huyền là Tiến sĩ, đang công tác tại Học viện Y - Dược học Cổ truyền Việt Nam.
Một người bạn của tôi trả lương cho giúp việc tới 6 triệu đồng một tháng, nuôi ăn, ở, để bác giúp việc ở cùng nhà cho tiện trông cậu con trai nhỏ và làm việc nhà cho chị đi làm. Nhưng trước Tết, người giúp việc xin về quê, ba tháng nay gọi mãi vẫn chưa ra làm lại.
"Suốt thời gian không có giúp việc, hằng ngày tôi phải đưa cả con nhỏ ba tuổi đến cơ quan, cho con ở cơ quan cả ngày cùng mẹ, con ngồi chơi một mình chờ mẹ làm việc, thực sự vất vả cho cả hai mẹ con. Nhưng không còn cách nào khác vì con trai lớn của tôi đang học lớp 7 phải đi học, không thể trông em giúp mẹ. Ông bà nội, ngoại đều ở xa, chồng tôi làm nghề xây dựng thường xuyên đi công tác xa, một mình tôi phải xoay xở lo cho hai đứa con trai rất vất vả. Hà Nội đang dịch bệnh thế này nên tìm người giúp việc quá khó", bạn than thở.
Trong thời gian bác giúp việc xin nghỉ, chị thường xuyên lên mạng tìm kiếm người giúp việc tại các trang web cung cấp việc làm. Đồng thời, nhờ bạn bè giới thiệu họ hàng ở quê lên giúp nhưng vẫn chưa tìm được ai thay thế. Bình thường việc trông con, nấu ăn, dọn dẹp đã có người giúp việc lo, nhưng từ trước Tết tới nay, một tay quán xuyến hết việc gia đình với hai cậu con trai còn nhỏ khiến chị cảm thấy rất mệt mỏi.
Xã hội ngày càng phát triển, khối lượng công việc tăng cao, người phụ nữ vừa phải đi làm việc tám tiếng ở cơ quan, vừa phải lo chăm sóc, dạy dỗ con cái và cáng đáng hết việc nội trợ trong gia đình, nên việc nhà, nội trợ lâu nay trở thành một gánh nặng khiến nữ giới kiệt sức.
Thời gian dọn dẹp nhà cửa, thời gian nấu ăn, thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái đã chiếm khá nhiều thời gian trong quỹ thời gian cá nhân của người phụ nữ, gây giảm hiệu quả công việc. Họ cần tập trung cho công việc nhiều hơn nên phải tìm một người để hỗ trợ những công việc dọn dẹp nhà cửa, giúp việc nhà.
Cũng từ đó, nhu cầu tìm người giúp việc nhà ngày một tăng trong xã hội hiện đại. Có những thời điểm, thị trường người lao động ở Hà Nội cung không đủ cầu vì nhu cầu thuê người giúp việc quá lớn, dẫn đến mức lương cơ bản của lao động giúp việc nhà hiện tại tăng cao lên 4-6 triệu đồng một tháng.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhịp sống dần trở lại bình thường, nhưng sinh hoạt của nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn đang xáo trộn bởi không tìm được người giúp việc, đặc biệt là những gia đình trẻ. Sẵn sàng trả mức lương cao từ 5-6 triệu đồng một tháng nhưng không phải ai cũng tìm được người giúp việc nhà.
Một người bạn khác của tôi (38 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) suốt cả tháng qua đăng tin tìm người giúp việc trên khắp các diễn đàn, Facebook, Zalo mà vẫn chưa tìm được ai. Bạn chia sẻ: "Hai năm nay, tôi thuê một cô giúp việc trông con trai, mỗi tháng trả 5 triệu đồng tiền công, nuôi ăn trưa, chỉ làm việc từ 7h đến 17h thứ hai đến thứ sáu hằng tuần.
Công việc chỉ có trông bé, cho con ăn, ngủ, chơi, vệ sinh và tắm rửa, không phải ngủ lại buổi tối, không phải nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa vì đã có ông bà ngoại; mỗi năm còn được thưởng một tháng lương trước Tết, xét tăng lương một năm một lần; nếu làm thêm giờ sẽ được trả thêm tiền ngoài giờ theo Luật Lao động; ngày nghỉ lễ, Tết được nghỉ theo quy định của nhà nước và được hưởng nguyên lương; ông bà ngoại cũng giúp trông cháu khi cô ăn trưa hoặc giặt đồ cho bé hay bất cứ lúc nào cần sự hỗ trợ...
Chế độ đãi ngộ hết mức như vậy, nhưng cô lại xin làm hết tháng này sẽ nghỉ vì lý do gia đình. Tôi đã đăng tin tìm người khắp nơi với mức lương 5 triệu đồng một tháng, mà chẳng thấy ai liên hệ, đang lo không có ai trông con để đi làm. Nhờ bạn bè, người quen tìm giúp thì ai cũng bảo tìm giúp việc vào thời điểm này rất khó, người cần thì nhiều mà giúp việc thì ít bởi họ vẫn còn ở quê ăn Tết".
>> Nghỉ việc lương 15 triệu ở nhà chăm con
Vậy nguyên nhân từ đâu khiến cho việc tìm người giúp việc sau Tết lại khó khăn đến vậy?
Thứ nhất, những người làm nghề giúp việc phần lớn là lao động ở các tỉnh lẻ, họ đi làm cả năm trời, đến Tết mới được về đoàn tụ với gia đình nên ai cũng muốn ở nhà lâu hơn một chút để gần con, gần cháu. Họ thường ở quê chơi hết tháng Giêng mới lên thành phố làm. Trong khi ở Hà Nội, đa phần đến mùng Sáu, mùng Bảy là người dân phải đi làm lại, không thể xin nghỉ ở nhà đến hết tháng Giêng được.
Thứ hai, người lao động vẫn còn tâm lý "thích thì làm, không thích thì nghỉ". Trong khi đó, sự kỳ vọng chất lượng của khách hàng lại rất cao; người lao động đa phần chưa được đào tạo bài bản theo đúng tiêu chuẩn.
Thứ ba, người lao động không muốn làm cố định mà chỉ muốn nhận làm giúp việc theo giờ, mỗi nhà từ 3-4 giờ, nếu chịu khó có thể kiếm được thu nhập 600.000-700.000 mỗi ngày. Làm theo giờ vừa thoải mái vừa đỡ phải gò bó vì sống chung với chủ nhà.
Thứ tư, người giúp việc trong thời Covid không chỉ yêu cầu về kinh nghiệm, tính cách, hay biết làm việc mà hiện nay còn đòi hỏi những người giúp việc biết sử dụng phần mềm học online của trẻ nhỏ, hỗ trợ phụ huynh quản lý việc học của các cháu. Vì thế, cho dù có sẵn sàng trả mức lương cao nhưng chưa chắc nhiều gia đình có thể tìm được người giúp việc ưng ý.
Thứ năm, do ảnh hưởng bởi dịch, nhiều người mất việc làm tạm thời nên nhóm lao động giúp việc nhà thời vụ đa phần đã trở về quê từ đầu mùa dịch. Một số không quay lại thành phố làm việc do sợ dịch, khó khăn việc đi lại.
>> 'Phụ nữ kiếm tiền giỏi không cần phải vào bếp'
Theo Điều 88, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động nêu rõ: "Lao động là người giúp việc gia đình, là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Lao động có giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, để làm những công việc theo quy định tại khoản 1 Điều 161 của Bộ luật Lao động".
Do đó, người sử dụng lao động và người lao động phải ký kết hợp đồng lao động để có sự ràng buộc. Hợp đồng sinh ra để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên khi xảy ra tranh chấp trong quá trình làm việc. Cũng không ít trường hợp xảy ra mâu thuẫn nhưng không thể giải quyết vì không có bằng chứng.
Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các gia đình và người giúp việc đều không ký hợp đồng, nên không có tính ràng buộc. Và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc giúp việc thường xuyên đòi tăng lương, sẵn sàng nhảy việc khi được trả lương cao hơn hoặc xin nghỉ việc không báo trước, đẩy các nhà vào thế không kịp tìm người thay thế.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.