Nói về câu chuyện nữ quyền, chúng ta cần quay lại lịch sử một chút để thấy sự thay đổi của tư tưởng xã hội trong vòng hơn trăm năm qua và chấp nhận thực tế của xã hội ngày nay:
Thời phong kiến, phụ nữ bị coi rẻ, các em gái bị gả lấy chồng từ lúc bảy tuổi, chỉ để bố mẹ đổi lại chút của cải và nhà trai có thêm người làm, người đẻ. Đàn bà con gái trong gia đình, ngoài chuyện phải nội trợ, đến bữa ăn cũng không được ngồi cùng mâm, phải đợi đàn ông trong nhà ăn xong hết thì mới được ăn hoặc phải ăn dưới bếp, mâm dưới.
Thời chiến tranh, đàn ông ra trận đánh giặc, ở nhà chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Vì không có ai giúp đỡ nên trăm việc nhà đều rơi vào tay chị em hết. Khi chiến tranh chấm dứt, mọi người đều đi làm, phụ nữ cũng thường được ưu tiên làm những việc hành chính, nhẹ nhàng hơn đàn ông. Tuy nhiên, tư tưởng gia trưởng vẫn hằn sâu trong giáo dục gia đình, người vẫn coi việc nội trợ là của phụ nữ, mặc dù chị em cũng đi làm kiếm tiền. Dù sao thì thời đó hàng quán dịch vụ không nhiều nên nếu phụ nữ không còn cách nào khác là phải vào bếp mỗi ngày.
Ngày nay, phụ nữ đi làm, thậm chí còn làm nhiều, làm cao hơn cả đàn ông, họ cũng chịu áp lực công việc chẳng kém gì cánh mày râu. Trong khi đó, dịch vụ hàng quán bây giờ phát triển rất thuận tiện, chỉ cần bước vài bước chân ra khỏi nhà hoặc ngồi một chỗ gọi điện, đặt hàng trực tuyến là bạn đã có mọi thứ mình muốn. Chỉ có duy nhất một điều ít thay đổi, đó là tư duy gia trưởng của đàn ông Việt vẫn còn tồn tại nhiều. Chính vì vậy, các ông chồng mới coi việc giữ lửa hạnh phúc trong gia đình qua những bữa cơm hàng ngày là trọng trách của phụ nữ.
>> Ám ảnh 'trách nhiệm nội trợ' của phụ nữ Việt
Điều mà rất nhiều người không muốn nhìn nhận thẳng thắn là phần lớn chị em ngày nay đều đi làm và cũng có thu nhập để phụ chồng gánh vác vấn đề tài chính của gia đình. Ngoài việc đi làm, hầu hết các gia đình vẫn coi việc bếp núc, chăm con là nghĩa vụ của chị em. Điều đó là không công bằng. Để vun vén cho gia đình, đòi hỏi cả hai người cùng phải nỗ lực. Nếu một bên coi mình có quyền không nỗ lực và bên kia phải gánh vác thì gia đình đó không thể bền.
Xã hội Việt ngày nay vẫn còn nhiều định kiến, áp đặt lên người phụ nữ. Ví dụ như việc phải có con trai nối dõi, phụ nữ phải lo việc nhà... Hiện, không phủ nhận là chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhiều người có suy nghĩ tiến bộ, khác truyền thống, nhưng chắc còn phải khá lâu nữa phụ nữ Việt mới được giải phóng được khỏi những định kiến đó.
Nấu ăn, sửa đồ, sửa xe... không chỉ đơn thuần là việc biết làm (kỹ năng đòi hỏi ở một trình độ khác), đó còn là sự đam mê của mỗi người nữa. Ai có đam mê trong lĩnh vực gì thì cứ việc theo đuổi, dù là nam hay nữ. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội có những tác động nhất định để giúp người ta theo đuổi đam mê hay bỏ định kiến.
Ví dụ ở Thụy Điển, đàn ông được luật pháp cho phép nghỉ làm (lâu dài) để nuôi con. Chính vì vậy mà việc gánh vác gia đình (kiếm tiền) sẽ thuộc về người vợ, nếu đó là lựa chọn của gia đình đó, đặc biệt công việc của người phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn. Vậy nên, nếu các ông chồng biết nấu nướng, thì sẽ thuận lợi hơn cho những gia đình như vậy.
Tóm lại, phụ nữ Việt cần phải biết cách xoay chuyển những trường hợp mình rơi vào để tạo nhận thức cho người khác, hoặc là cao chạy xa bay khỏi những gia đình còn nhiều định kiến.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.