Hầu hết chất lỏng con người tiêu thụ hàng ngày được thận xử lý thành nước tiểu, sau đó chảy vào niệu quản và bàng quang, cuối cùng được bài tiết ra ngoài qua niệu đạo. Sỏi có thể thể hình thành khi trong nước tiểu có nhiều tinh thể, xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau như thận, niệu quản, bàng quang...
Trong đó, sỏi tạo thành do calcium phổ biến nhất. Tzung-Hai Yen, Giám đốc khoa Chất độc của Bệnh viện Linkou Chang Gung Memorial ở Đài Loan, cho biết 80- 90% bệnh nhân mắc sỏi do oxalat và calcium photphat. Oxalat một hợp chất hóa học tạo thành các tinh thể hình kim, được đào thải qua nước tiểu, gây sỏi thận.
Có 4 nguyên nhân phổ biến gây sỏi tiết niệu, bao gồm:
Di truyền trong gia đình: Nếu bố mẹ hoặc người thân có tiền sử bị sỏi, bạn cũng có khả năng bị sỏi. Một yếu tố khác là lối sống và thói quen ăn uống của các thành viên trong gia đình thường giống nhau, do đó nguy cơ mắc sỏi cao.
Chất lượng nước: Nếu trong nước có nhiều ion canxi, khi đi vào cơ thể, chúng dễ lắng đọng vào tạo thành sỏi. Do đó, mọi người cần kiểm tra nguồn nước, có thể dùng máy lọc để loại bỏ tinh thể, hạn chế nguy cơ mắc sỏi.
Thói quen ăn uống: Những người không uống nhiều nước, thích ăn mặn, thịt, thường xuyên uống rượu dễ bị sỏi canxi oxalat. Người thích ăn thực phẩm giàu purine, ví dụ thịt nội tạng và hải sản, dễ bị sỏi axit uric. Họ cũng dễ bị bệnh gout do nồng độ acid uric trong cơ thể cao. Người dùng quá nhiều chất bổ sung trong chế độ ăn uống, ví dụ calcium, vitamin C hoặc D, có thể gây ra sỏi.
Mắc bệnh và nhiễm trùng: Nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra bệnh nhân sỏi thận thường có tình trạng khác đi kèm gồm béo phì, tiểu đường, bệnh gout và các rối loạn chuyển hóa khác. Chế độ ăn của những bệnh nhân này chủ yếu chứa nhiều natri, dầu, đường và purine. Bên cạnh đó, nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn gram âm cũng dễ hình thành sỏi.
Các yếu tố khác bao gồm sự khác biệt về thời tiết. Vào mùa hè nóng nực, đổ nhiều mồ hôi, nếu không bổ sung nước kịp thời, rất dễ hình thành sỏi đường tiết niệu.
Cách chống sỏi tái phát
Khi sỏi hình thành, người bệnh thường phải điều trị bằng phẫu thuật hoặc uống thuốc, có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn để đào thải sỏi. Tuy nhiên, bệnh có nhiều nguy cơ bị tái phát, do đó nên lưu ý những điều dưới đây:
Uống đủ nước: Nghiên cứu từ Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ cho thấy những người sản xuất 2- 2,5 lít nước tiểu mỗi ngày, giảm 50% nguy cơ mắc sỏi thận. Do đó, bạn nên uống đủ nước để tránh sỏi tái phát.
Thực phẩm thực vật giàu canxi: Các nguồn canxi tốt gồm sữa chua, các sản phẩm từ đậu nành, đậu, đậu lăng và hạt. Calcium sẽ liên kết với oxalat trong ruột, giảm hấp thụ oxalat.
Uống nước chanh: Chanh có citrate là loại muối trong acid citric, chất này liên kết với canxi giúp ngăn hình thành sỏi. Các nghiên cứu cho thấy nếu uống một nửa cốc nước chanh pha loãng mỗi ngày, hoặc nước ép hai quả chanh, có thể tăng citrate trong nước tiểu và giảm nguy cơ sỏi thận.
Kiểm soát natri: Chế độ ăn nhiều natri có thể gây ra sỏi thận vì gây tăng lượng canxi trong nước tiểu của bạn. Các hướng dẫn của Mỹ khuyến nghị mọi người hạn chế tổng lượng natri hàng ngày, ở mức 2,3 mg.
Giảm protein động vật: Ăn quá nhiều đạm động vật có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Nếu bạn dễ bị sỏi thận, hãy hạn chế ăn thịt hàng ngày.
Chi Lê (Theo Epoch Times)