Bà Quỳnh mắc ung thư niệu mạc ở bể thận hai năm trước, phải phẫu thuật cắt thận và toàn bộ niệu quản bên phải. Một năm sau, bác sĩ ở một bệnh viện chẩn đoán bà có một khối u nhỏ trong bàng quang và phẫu thuật nội soi cắt trọn u. Bà được bơm hóa chất vào bàng quang mỗi tuần trong 6 tuần sau mổ để giảm nguy cơ tái phát.
Gần đây bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám sức khỏe sau hơn 8 tháng mổ bàng quang. Ngày 28/9, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết bà Quỳnh có khối u tái phát kích thước khoảng 3 cm ở thành phải bàng quang, ung thư còn khu trú chưa xâm lấn ra ngoài, chưa có dấu hiệu di căn.
"Tần suất mắc ung thư bàng quang sau điều trị ung thư niệu mạc bể thận khoảng 5-10%", bác sĩ Cương nói, thêm rằng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM từng điều trị cho khoảng 3-4 trường hợp tương tự.
Trường hợp bà Quỳnh, ung thư bàng quang tái phát sớm và độ ác tính cao nên phương pháp điều trị tốt nhất là cắt bỏ toàn bộ bàng quang và chuyển lưu nước tiểu qua da bằng một túi chứa hoặc tạo hình bộ phận này bằng một đoạn ruột. Bệnh nhân muốn giữ lại bàng quang nên bác sĩ mổ mở cắt phần có khối u và kết hợp hóa hoặc xạ trị hỗ trợ.
Êkíp rạch da đường giữa dưới rốn xuống đến xương mu dài khoảng 12 cm, gỡ dính vùng chậu phải do vết mổ cũ, bộc lộ và di động vách phải bàng quang. Sau đó, các bác sĩ đánh dấu xung quanh khối u, khoét sâu xuyên thành bàng quang để lấy toàn bộ u và mô xung quanh thành một khối ra ngoài.
Ba ngày sau phẫu thuật, bà phục hồi, ăn uống bình thường, được xuất viện. Theo bác sĩ Cương, phần bàng quang bị cắt bỏ không đáng kể nên chức năng bàng quang được bảo tồn, người bệnh có thể đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, bà cần điều trị hỗ trợ sau mổ, tái khám định kỳ mỗi ba tháng để đánh giá khả năng tái phát ung thư.
Theo thống kê của Tổ chức ung thư thế giới (Globocan) năm 2022, ung thư bàng quang là loại ung thư phổ biến thứ 9 trên thế giới và thứ hai trong hệ tiết niệu, sau ung thư tuyến tiền liệt. Việt Nam mỗi năm ghi nhận hơn 1.900 ca mắc mới và hơn 1.000 ca tử vong vì ung thư bàng quang.
Dấu hiệu đặc trưng là tiểu máu tái phát nhiều lần. Ở giai đoạn sớm, lượng máu trong nước tiểu ít nên người bệnh khó nhận biết. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định, nhưng các yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá nhiều, thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, tiền sử gia đình có người thân ung thư bàng quang.
Bác sĩ Cương cho biết ung thư bàng quang là một trong những loại có tỷ lệ tái phát cao nhất, đến 70-80%. Ở giai đoạn sớm, bệnh có thể điều trị bằng nội soi cắt u qua niệu đạo kết hợp với hóa trị tại chỗ. Nếu tế bào ung thư xâm lấn xuống sâu đến lớp cơ bàng quang, cần cắt bỏ toàn bộ bàng quang mới tránh được nguy cơ tái phát.
Bác sĩ Tân Cương khuyến cáo người bị tiểu máu cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân và điều trị sớm. Người có các yếu tố nguy cơ cần khám sức khỏe định kỳ, siêu âm hệ tiết niệu và xét nghiệm nước tiểu mỗi 6 tháng.
Thắng Vũ
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả có thắc mắc về bệnh tiết niệu, gửi câu hỏi tại đây để được tư vấn |