'Thế nào là đón Tết văn minh?' - đây có lẽ là câu hỏi từng khiến nhiều người đau đầu đi tìm câu trả lời. Nhiều tranh cãi cũng nổ ra xung quanh câu chuyện ăn Tết thời hiện đại. Đem thắc mắc này đi hỏi các thành viên trong gia đình, tôi nhận được các câu trả lời như sau:
Mẹ tôi (ngoài 60 tuổi) nói: "Tết văn minh là không phải quần quật nấu nướng cỗ bàn, thắp hương. Thay vào đó, chỉ cần nấu vài món đơn giản, cơ bản như ngày thường, vừa khỏe vừa đỡ dầu mỡ". Vậy là với mẹ, Tết chỉ đơn giản là không phải quanh quẩn ở dưới bếp, được giải thoát khỏi trách nhiệm và nghĩa vụ người chủ căn bếp của gia đình.
Vợ tôi (30 tuổi) lại khẳng định: "Tết văn minh là không phải rửa chén đĩa ngày này qua ngày khác vì các cuộc hội họp, tiệc tùng lớn nhỏ. Cả năm đã đi làm mệt mỏi, Tết chỉ mong được nghỉ ngơi, về nhà ngoại, đi chơi đây đó cho khuây khỏa, đỡ mệt người". Phụ nữ đôi khi chỉ mong một cái Tết "yên thân" như vậy. Họ cũng vất vả kiếm tiền như cánh đàn ông, nên cũng cần được đối xử công bằng mấy ngày Tết. Không cần người đời ca ngợi hay tôn vinh gì, phụ nữ có khi chỉ cần có không gian riêng để lấy lại công bằng.
Em gái tôi (25 tuổi) thì chỉ mong một điều đơn giản: "Tết này không bị ai hỏi chuyện lấy chồng, đẻ con như các năm trước". Không biết từ khi nào, giới trẻ lại bận lòng vầy mấy chuyện riêng tư của mình như vậy. Hạnh phúc, cưới xin, sinh con đẻ cái là quyền tự do cơ bản của mỗi người. Có lẽ đã đến lúc chúng ta thôi tò mò, can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của nhau mấy ngày Tết.
>> Treo biển 'ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng?'
Con trai (học cấp hai) của tôi lại thành thật: "Con chỉ mong Tết không bị hỏi xếp loại học sinh gì? Thi học kỳ bao nhiêu điểm?". Cả năm đã áp lực chuyện học hành, con tôi chắc chắn chán ngán cái cảnh tiếp tục bị so đo học lực mấy ngày Tết. Trong khi người lớn đôi khi lại tạo thêm áp lực cho trẻ con bằng những câu hỏi chất vấn mà không hề hay biết.
Còn với tôi, Tết văn minh nhất là không chúc rượu, mời bia, không phải tụ tập bù khú hết nhà này đến nhà khác, để rồi lo từ chối thế nào để không mất lòng nhau mà vẫn đảm bảo được sức khỏe. Đàn ông cũng cần tỉnh táo để đón Tết, chứ không chỉ biết vui xuân bên bàn nhậu.
Vậy là mỗi người trong gia đình tôi đều có những mối trăn trở và mong ước riêng về một cái Tết văn minh trong tưởng tượng. Nhưng tựu trung lại, có thể tóm gọn trong một từ duy nhất: "Tôn trọng". Khi tôn trọng người vợ, người mẹ trong nhà, bạn sẽ không bắt họ phải hành xác trong bếp mỗi dịp Tết đến; khi tôn trọng hạnh phúc của người khác, bạn sẽ không hỏi họ "bao giờ mới cưới?"; khi tôn trọng tuổi thơ của con trẻ, bạn sẽ không tra vấn chúng "học lực gì, điểm số bao nhiêu?"; khi tôn trọng nhau, bạn sẽ không ép người khác phải nâng chén để thể hiện tình thân...
Đất nước ta đã và đang đổi mới qua từng ngày, người Việt cũng dần hướng tới một xã hội văn minh. Muốn vậy, chúng ta cần phải biết tôn trọng (tôn trọng sở thích cá nhân và không gian riêng của mỗi người...). Tết văn minh nghe có vẻ trừu tượng nhưng thực chất chỉ là cắt bớt đi những lễ nghi, thủ tục rườm rà; bỏ dần đi những tò mò, ích kỷ; cùng nhau tôn trọng và chia sẻ niềm vui một cách chân phương nhất. Khi đó, tôi tin bất kỳ đàn ông hay phụ nữ, người già hay trẻ nhỏ cũng sẽ háo hức chờ từng ngày đến Tết.
Chúc cho tất cả chúng ta sẽ sớm hiện thực hóa được cái Tết văn minh đúng như ước nguyện của mỗi người.
>> Chia sẻ câu chuyện đón Tết văn minh của gia đình bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.