Trả lời
Tỏi chứa hơn 10 loại vitamin, 10 loại khoáng chất và 200 hợp chất hóa học hữu ích khác. Thành phần dinh dưỡng chính trong tỏi là chất đường bột chiếm 28-33%, đạm khoảng 2-6%. Người bệnh gout có thể ăn tỏi vì hàm lượng purin thấp. Trung bình 100 g tỏi chứa khoảng 17 mg purin, trong khi hàm lượng purin mà người mắc bệnh này có thể tiêu thụ mỗi ngày là 400 mg.
Tỏi còn mang đến nhiều lợi ích cho người bị gout. Hợp chất S-allyl-L-cysteine góp phần ức chế xanthine oxidase - loại enzyme thúc đẩy quá trình chuyển hóa purin từ thực phẩm thành axit uric, góp phần ngăn ngừa bệnh gout bùng phát. Ăn tỏi mỗi ngày có thể làm tăng nồng độ superoxide dismutase - loại enzyme chuyển đổi tế bào bị oxy hóa thành các tế bào khỏe mạnh, nhờ đó có thể phục hồi cấu trúc DNA hư hỏng khi gout bùng phát.
Allicin là hợp chất chống oxy hóa chính trong tỏi có khả năng ức chế một loạt các tiền tố cytokine gây viêm do tế bào T helper cells tiết ra như IL-17, IL-12, TNF-α, MCP-1 và IL-6, hỗ trợ người bệnh gout cải thiện viêm khớp. Allicin còn có tác dụng kháng viêm, góp phần ngăn ngừa bệnh phì đại cơ tim, rối loạn đông máu gây tắc nghẽn động mạch, rối loạn lipid máu dẫn đến xơ vữa động mạch.
Chỉ số đường huyết trong tỏi thấp (GI dưới 30). Người bị gout ăn tỏi với lượng vừa phải không làm tăng nồng độ đường glucose trong máu, hạn chế viêm khớp tăng nặng.
Trong quá trình điều trị, người bệnh gout thường uống nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch, khiến cơ thể tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Loại gia vị này góp phần tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tế bào bạch cầu và đại thực bào hoạt động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều tỏi có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, rối loạn tiêu hóa, giảm tác dụng một số loại thuốc điều trị. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp và đến bác sĩ dinh dưỡng khám để được tư vấn chế độ ăn phù hợp.
Các dưỡng chất thiên nhiên như eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type II không biến tính và collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ) còn hỗ trợ người bệnh gout cải thiện cơn đau. Chúng cũng có tác dụng kháng viêm, giảm sưng, tăng cường tái tạo sụn, xương dưới sụn, hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |