Trả lời:
Thịt lợn gần không chứa chất bột đường trong thành phần dinh dưỡng nên chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) gần như bằng 0. Người bệnh đái tháo đường có thể ăn thịt mỗi ngày mà không làm tăng đường huyết quá mức sau ăn.
Thịt lợn cung cấp đạm chất lượng cao với đủ 9 loại axit amin thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được, tạo cảm giác no lâu, làm chậm quá trình hấp thụ đường từ thực phẩm. Người bệnh ăn thịt có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ bệnh tăng nặng hoặc biến chứng.
Thực phẩm này chứa nhiều vitamin nhóm B, khoáng chất như kali, natri, sắt, kẽm, selen, magie, phốt pho, canxi, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, cải thiện sức khỏe tổng thể. Người bệnh cũng giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, bệnh thận do đái tháo đường gây ra.
Tuy nhiên, thịt lợn giàu chất béo. Trung bình 100 g thịt nạc thăn có khoảng 5,7 g chất béo, 100 g thịt ba chỉ chứa 53 g chất béo. Tỷ lệ chất béo trong thịt tùy vào vị trí xẻ thịt, giống lợn, độ tuổi, công nghệ chăn nuôi... Ăn quá nhiều thịt lợn dễ dẫn đến tăng cân quá mức, rối loạn mỡ máu, nguy cơ khiến bệnh đái tháo đường nặng hơn hoặc biến chứng nguy hiểm.
Nhu cầu đạm tiêu thụ mỗi ngày của người bệnh đái tháo đường thường khoảng 1-2 g/kg cân nặng hoặc 15-20% tổng năng lượng nạp vào cơ thể mỗi ngày. Bạn có thể tham khảo mức tiêu thụ thịt lợn mỗi ngày không vượt quá 172-230 g hoặc không quá 400-500 g thịt lợn mỗi tuần. Lượng thịt bạn ăn có thể thay đổi theo độ tuổi, trọng lượng cơ thể, bệnh nền đồng mắc, cường độ hoạt động thể chất. Không có một mức cố định áp dụng cho mọi người, do đó bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nên kết hợp thịt lợn với thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh. Ưu tiên thịt nạc, ít mỡ, loại bỏ da. Chế biến bằng cách luộc, hấp hoặc nấu canh, hạn chế nướng, chiên, xào nhiều dầu mỡ. Hạn chế thịt đóng hộp hoặc thực phẩm chế biến sẵn chứa chất bảo quản, nhiều đường và muối.
Để kiểm soát đái tháo đường, bạn cần uống thuốc theo toa và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, thường xuyên kiểm soát đường huyết. Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tuân thủ chế độ ăn kiêng và kiểm soát cân nặng hợp lý.
Người bệnh đái tháo đường nên đi khám dinh dưỡng, đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770, xét nghiệm vi chất chuyên sâu bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để biết đang thiếu, thừa chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, quản lý tốt đường huyết và cân nặng.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome