Trả lời:
Thịt chứa nhiều protein (đạm), có vai trò quan trọng trong cơ thể như giúp xương chắc khỏe, duy trì khối lượng cơ, cải thiện quá trình đông máu, chống nhiễm trùng. Tế bào trong cơ thể chết đi, tăng sinh liên tục và xuất hiện lỗi. Các axit amin trong protein hỗ trợ tế bào tự sửa chữa lỗi.
Lượng protein mỗi người cần tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và mức độ hoạt động. Quá trình hóa trị, xạ trị khi điều trị ung thư làm tăng nhu cầu tiêu thụ protein. Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới (WCRF) khuyến nghị người bệnh ung thư nói chung nên dùng 1-1,5 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ bạn nặng 80 kg cần bổ sung khoảng 80-120 g protein mỗi ngày.
Protein có trong cả thực vật và động vật. Protein từ động vật dễ hấp thụ hơn so với protein thực vật. Nếu người bệnh không ăn protein từ động vật, phải ăn đủ protein từ nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Bạn không nên kiêng thịt nhưng cần dùng với lượng vừa phải, ưu tiên thịt nạc với khoảng 500 g mỗi tuần; hạn chế ăn thịt chế biến sẵn (thịt xông khói, thịt đóng hộp...).
Ngoài nguồn protein từ thịt, bạn cần bổ sung đa dạng các món chứa protein từ động vật có trong cá, sữa, phô mai và trứng. Các sản phẩm từ sữa (phô mai, sữa chua, váng sữa...) là nguồn cung cấp nhiều protein. Trứng cung cấp protein dễ hấp thụ.
Protein thực vật có trong các loại đậu và sản phẩm từ đậu, như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành, sữa đậu nành, bột ngũ cốc, đậu hũ, các loại hạt.
Ngoài thực phẩm giàu protein, bạn nên ăn đa dạng nhóm chất, uống đủ nước để tăng cường sức khỏe, chống lại bệnh nhiễm trùng như sốt, ho, cảm, lao... Ăn uống hợp lý góp phần giúp cơ thể phục hồi nhanh sau phẫu thuật, hóa xạ trị ung thư.
BS.CKI Trần Thị Ngọc Bích
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |