Giàu chất xơ
28 g óc chó cung cấp 2 g chất xơ. Dưỡng chất này giúp giảm mức cholesterol bằng cách liên kết với cholesterol trong hệ tiêu hóa, hỗ trợ bài tiết cholesterol, nhờ đó giảm lượng cholesterol được hấp thụ vào máu.
Chứa nhiều chất béo lành mạnh
Quả óc chó có hai loại chất béo không bão hòa đa có lợi cho tim. Loại đầu tiên là axit alpha-linoleic, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa lipid, loại bỏ cholesterol xấu (LDL) khỏi cơ thể.
Loại hạt này cũng có axit alpha-linolenic (ALA) có lợi cho tim. Chất béo omega-3 có nguồn gốc thực vật này điều chỉnh cholesterol xấu, chất béo trung tính (triglyceride). Sau khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, triglyceride được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu. Chỉ số triglyceride trong máu cao làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch.
Chứa chất chống oxy hóa
Loại hạt này giàu hợp chất thực vật polyphenol tốt cho sức khỏe tim mạch. Polyphenol là chất chống oxy hóa có tác dụng trung hòa các gốc tự do có hại, giảm căng thẳng oxy hóa, gây tổn thương tế bào và mô. Polyphenol thúc đẩy chức năng tim, chống lại tình trạng viêm - tác nhân chính gây ra nhiều bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch. Chất chống oxy hóa này cũng hỗ trợ tăng mức cholesterol có lợi ở người mắc hội chứng chuyển hóa.
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột
Quả óc chó cung cấp chất xơ nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi, duy trì sức khỏe tổng thể hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch. Lượng vi khuẩn đường ruột có lợi phong phú có liên quan đến giảm mức cholesterol.
Một số cách bổ sung quả óc chó vào chế độ ăn uống như rắc một nắm óc chó thái nhỏ lên yến mạch, sữa chua hoặc ngũ cốc nguyên hạt trong bữa sáng. Tăng hương vị cho món salad bằng cách thêm quả óc chó rang. Món salad cải xoăn và dâu tây ăn cùng hạt óc chó cũng ngon miệng. Thực phẩm này là lựa chọn thay thế thịt cho những người ăn chay trường.
Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, người bị cholesterol cao cũng nên duy trì thói quen tập luyện ít nhất 30-45 phút mỗi ngày, 4-5 lần mỗi tuần hoặc phù hợp với thể trạng để bảo vệ sức khỏe. Khám sức khỏe ít nhất mỗi 6 tháng để kiểm tra nồng độ cholesterol và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Lê Nguyễn (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |