Trả lời:
Các món ăn khi chế biến đều chứa một lượng muối nhất định. Đây là khoáng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh hóa của cơ thể; cung cấp natri để tăng cường chức năng não, phát triển não bộ. Muối giúp cơ thể giữ nước trong và ngoài tế bào, trong lòng mạch máu, duy trì áp lực thẩm thấu, dẫn truyền xung động thần kinh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành nên dùng tối đa 5 g muối mỗi ngày (tương đương một thìa cà phê muối). Thực tế có nhiều người tiêu thụ gấp nhiều lần lượng muối so với khuyến cáo. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày.
Khi ăn nhiều muối, một lượng lớn natri được dung nạp vào cơ thể. Quá nhiều natri khiến cơ thể ứ nước. Lượng natri trong máu cao, thận không thể làm việc tối đa. Lúc này áp lực thẩm thấu trong lòng mạch gia tăng khiến nước di chuyển theo vào lòng mạch, làm cho thể tích máu tăng.
Ăn mặn là nguyên nhân gây bệnh tim mạch, huyết áp cao. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên thế giới. Bệnh có khả năng dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, tổn thương mạch máu, não, mắt, thận...
Theo nghiên cứu đăng trên Thư viện Quốc gia Mỹ, tiêu thụ nhiều hơn 5 g muối mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 17%, nguy cơ đột quỵ tăng 23%. Giảm 4,4 g lượng muối ăn hàng ngày giảm huyết áp khoảng 4,2/2,1 mm Hg.
Chế độ ăn ít muối giảm gánh nặng cho tim. Trẻ nhỏ dưới một tuổi chỉ dùng tối đa 1 g muối mỗi ngày, không cần bổ sung muối vào thức ăn. Thực phẩm tự nhiên hàng ngày như thịt, trứng, sữa... đã chứa đủ lượng muối cần thiết cho trẻ. Trẻ 1-3 tuổi tiêu thụ khoảng 3 g muối, trẻ từ 7 tuổi trở lên là 5 g muối một ngày.
Những người mắc bệnh lý tim mạch, thận, tăng huyết áp... cần điều chỉnh chế độ muối theo chỉ dẫn của bác sĩ, bổ sung lượng nước phù hợp để cơ thể cân bằng.
Thực phẩm chứa nhiều muối nên hạn chế như các món lên men (dưa muối, cà muối, mắm tép...), món chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, giò chả...); cá khô, tôm khô, mực khô... Bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Để biết chính xác bản thân có ăn dư muối hay không, bạn nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tim mạch để được đánh giá và tư vấn chi tiết.
ThS.BS Trần Quốc Việt
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |