Trả lời:
Tỏi và hành có chứa chất chống nhiễm khuẩn. Trong tỏi có chứa một hợp chất gọi là allicin. Khi tỏi được nghiền nát hoặc nhai, hợp chất này có khả năng tăng cường phản ứng chống lại bệnh tật, chẳng hạn như ức chế virus gây ra cảm lạnh thông thường hoặc cúm.
Đối với hành, ngoài axit carbonic, magiê, canxi, protein, chất béo, đường, hành còn chứa các loại vitamin, chất đỏ cà rốt, vị của tỏi, dầu thực vật, êtylen... Với những thành phần phong phú này, hành có thể ngăn ngừa, hỗ trợ chữa trị bệnh lý bạch hầu, nấm, kích thích chức năng miễn dịch, nâng cao khả năng kháng bệnh trong cơ thể mỗi người. Ăn hành giúp làm thông hô hấp, trợ tiêu hóa.
Tuy nhiên, trẻ em thường có nguy cơ dị ứng cao. Mặc dù, trẻ ăn được hành, tỏi nhưng cần ăn với số lượng nhỏ tùy độ tuổi. Ví dụ, với trẻ nhỏ, chỉ nên ăn 1-2 tép tỏi nhỏ hoặc ít lá hành mỗi buổi. Ba mẹ nên băm nhỏ hoặc dùng bột hành, bột tỏi pha vào đồ ăn của bé theo lượng khuyến cáo của nhà sản xuất, tùy thuộc vào mức tiếp xúc đồ ăn của trẻ.
Khoảng từ 8 tháng tuổi trở đi, ba mẹ có thể tập cho bé ăn hành và tỏi. Tuy nhiên không nên lạm dụng nhiều vì mùi cay nồng của hành, tỏi có thể ảnh hưởng đến vị giác của trẻ, khiến trẻ dị ứng, khó chịu, không ăn. Đối với trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều hơn. Cha mẹ nên cho bé thử từ từ để dò xem phản ứng của trẻ, tránh cho ăn nhiều từ lần đầu. Ba mẹ nên tư vấn chuyên gia, bác sĩ dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp với từng trẻ.
Ba mẹ cần lưu ý, nên cho hành tỏi vào đồ ăn khi đã nguội, không nên cho vào đồ ăn khi còn nóng quá hoặc đang nấu. Nhiệt độ cao có thể làm cho các tinh chất của hành, tỏi mất tác dụng.
Ngoài ra, khi trẻ mắc bệnh sốt, cúm cần phải được theo dõi điều trị bởi bác sĩ. Không thể chỉ ăn hành, tỏi mà hết bệnh. Ba mẹ không nên thấy con đang bệnh mà tăng lượng hành tỏi lên, trẻ bỏ ăn hoặc ăn ít thì bệnh sẽ nặng hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome