Xơ vữa động mạch là hiện tượng mảng bám hình thành từ chất béo, cholesterol, canxi, chất khác tích tụ trong thành động mạch. Các mảng bám thường xơ cứng theo thời gian, làm hẹp động mạch, hạn chế lưu lượng máu. Mảng xơ vữa vỡ ra có thể hình thành huyết khối (cục máu đông) gây tắc nghẽn hoặc chặn dòng chảy của máu đến cơ quan khác trong cơ thể.
Người bệnh xơ vữa động mạch không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim, thiếu máu não, phình động mạch não, đột quỵ, bệnh thận mạn tính, bệnh động mạch ngoại biên, tử vong.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ dinh dưỡng khoa học hỗ trợ phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch tăng nặng, biến chứng.
Thực phẩm giàu omega-3 như cá béo (cá hồi, cá trích, cá basa, cá thu), trái bơ, các loại hạt (hạt chia, hạt điều, hạt óc chó, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân), dầu ô liu, góp phần chống viêm mạch máu, xơ vữa động mạch. Omega-3 còn làm giảm kết tập tiểu cầu (nguy cơ đông máu), giảm chất béo trung tính (triglyceride), tăng cholesterol tốt (HDL), chống lại tình trạng lắng đọng mảng bám của cholesterol xấu (LDL) trong thành động mạch.
Thực phẩm cung cấp carbohydrate phức tạp như gạo lứt, yến mạch, bắp, đậu Hà Lan, đậu phộng, khoai tây, rau mùi tây thường ít đường nhưng giàu chất xơ. Chúng hỗ trợ ổn định đường huyết, tạo cảm giác no lâu, giảm thèm ăn, từ đó kiểm soát cân nặng. Chất xơ còn làm giảm LDL, tăng HDL trong máu, góp phần hạn chế hình thành xơ vữa động mạch.
Tăng cường quả, rau xanh như rau họ cải (cải bó xôi, bông cải xanh, củ cải, bắp cải, cải xanh), quả có múi (cam, quýt, bưởi, chanh), quả mọng (lựu, dâu tây, mâm xôi, việt quất). Chúng cung cấp hàm lượng chất xơ phong phú, nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ tế bào trước sự tấn công của các gốc tự do, tăng cường sức đề kháng. Vitamin A và C hỗ trợ hạ huyết áp, giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu, giảm xơ vữa động mạch do căng thẳng oxy hóa.
Vitamin K kết hợp vitamin D thúc đẩy tăng cường sức khỏe mạch máu, tăng cường sự dẻo dai của thành mạch, hỗ trợ ngăn vôi hóa mạch máu và nguy cơ suy tim. Kali, magie phòng tránh lắng đọng canxi, chất trong thành mạch, giảm hình thành mảng bám gây xơ vữa động mạch, tăng độ bền thành mạch.
Thực phẩm chống viêm như nghệ, tỏi, gừng, quế, tiêu, ớt có thể bảo vệ hệ thống mạch máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch bằng cách loại bỏ các gốc tự do, cải thiện mức lipid, giảm kết tụ tiểu cầu trong máu. Một hợp chất hữu cơ trong quế là cinnamaldehyde còn chống đông máu, hạn chế hình thành cục máu đông, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh xơ vữa động mạch gây ra.
Bác sĩ Trà Phương lưu ý thực phẩm không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người bệnh nên tái khám định kỳ, điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Hạn chế thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo, chất bảo quản. Không sử dụng hoặc hạn chế uống rượu, bia, tránh xa khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm. Thường xuyên vận động, tập luyện vừa sức, kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân hoặc béo phì khiến bệnh tăng nặng. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch.
Người bệnh nên khám dinh dưỡng định kỳ, đo thành phần cơ thể bằng máy InBody 770, xét nghiệm vi chất trong cơ thể bằng máy sắc ký lỏng hiệu năng cao UPLC để xác định cơ thể thiếu, thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |