Trả lời:
Đường là một trong những nguyên chính gây lo lắng cho người bệnh ung thư. Quan điểm ăn đường nhiều sẽ làm bệnh tiến triển là một hiểu lầm khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy chế độ ăn nhiều carbohydrate hoặc nhiều đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư hay giảm lượng thực phẩm này giúp ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư. Mặc dù vậy, đường có thể gián tiếp tham gia vào sự phát triển của bệnh ung thư.
Glucid hoặc carbohydrate thường được gọi là các chất bột đường, gồm các loại ngũ cốc (staple), đường (sugars) và chất xơ (fiber). Căn cứ vào số phân tử đường, glucid được chia thành 3 loại chính gồm: đường đơn (có một phân tử đường), đường oligo (2-10 phân tử đường) và đường đa phân tử (hơn 10 phân tử).
Đường đơn có 3 loại phổ biến gồm: glucose, fructose, galactose. Trong đó, glucose là đường được hấp thu trực tiếp vào máu, bởi vậy, chỉ số đường huyết tăng nhanh và cao sau khi sử dụng. Đại diện cho nhóm này là một số hoa quả chín hoặc một số loại rau. Nhóm fructose có nhiều trong một số hoa quả (táo, lê...) hoặc mật ong, hấp thu chậm hơn so với glucose nên khả năng tăng đường huyết chậm hơn so với glucose. Galactose có thể gặp trong các chế phẩm sữa.
Đường oligo (2-10 phân tử) nổi bật nhất là nhóm đường đôi với 3 chất phổ biến là sucrose (saccharose), lactose, maltose. Trong đó, sucrose có nhiều trong củ cải đường hoặc đường mía. Lactose có trong sữa. Maltose có trong ngũ cốc (lúa mạch, thóc nảy mầm).
Ngoài ra, 3 nhóm khác cũng cần quan tâm của đường oligo là FOS (fructo - oligosaccharide có trong thực vật như tỏi tây), GOS (galacto - oligosaccharide có trong đậu nành), MOS (manna - oligosaccharide hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn đường tiêu hóa.
Đường đa phân tử chủ yếu là tinh bột, chất xơ và không bị tan trong nước.
Nhu cầu năng lượng của cơ thể chủ yếu lấy từ nhóm carbohydrate (45-65% tổng năng lượng của cơ thể theo khuyến nghị của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), tương ứng 225-325 g carbohydrate một ngày nếu tổng năng lượng mỗi ngày là 2.000 kcal. Do vậy, để duy trì sự sống của cơ thể, người bệnh vẫn cần sử dụng các chất carbohydrate trong chế độ ăn uống. Chế độ ăn dư thừa carbohydrate gây thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa như đường huyết cao, mỡ máu, huyết áp... Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), đây mới là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cắt giảm lượng thực phẩm chứa carbohydrate quá nhiều có thể khiến cơ thể suy kiệt, thiếu năng lượng, nhất là với người bệnh ung thư. Do đó, việc hạn chế bột đường trong chế độ ăn là không nên. Thay vào đó, bạn nên chọn nguồn carbohydrate lành mạnh (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, khoai củ, các loại đậu, sữa), hạn chế thực phẩm chứa nhiều carbohydrate nhân tạo (bánh, kẹo ngọt, các loại nước giải khát có ga, nước mía...) và kết hợp luyện tập thể dục thể thao để giảm nguy cơ thừa cân, béo phì. Hơn nữa, thói quen ăn uống lành mạnh còn giúp bạn giảm gánh nặng thải độc cho gan. Đọc các nhãn dinh dưỡng trên bao bì cũng giúp bạn biết được lượng carbohydrate có trong thực phẩm để chọn loại phù hợp.
Như vậy, người bệnh ung thư cần đảm bảo đủ nhu cầu carbohydrate (tinh bột, chất xơ, FOS, GOS...) trong khẩu phần ăn uống để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động bình thường. Người bệnh cần tránh hoặc hạn chế sử dụng những nhóm carbohydrate có nguy cơ làm tăng cân dẫn đến béo phì. Bạn cũng nên ăn nhiều rau củ quả, tuân thủ theo lịch điều trị của bác sĩ, tập thể dục tăng cường sức khỏe nhằm giảm tác dụng phụ khó chịu trong quá trình điều trị và nhanh hồi phục. Chúc bạn nhiều sức khỏe.
Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội