Vào mùa hè, mọi người thường uống coca lạnh, một cốc cà phê hoặc bia nhiều đá khi nhiệt độ tăng cao, nhưng tác dụng làm mát không kéo dài. Lý do là cơ thể có khả năng tự điều chỉnh để luôn duy trì thân nhiệt ở 36,5 độ C. Khi ăn, uống thức ăn lạnh hoặc kem, vùng dưới đồi trong não sẽ cảm nhận nhiệt độ cơ thể đang giảm mạnh. Do đó, cơ thể sẽ tăng nhiệt độ lên để cảm thấy ấm hơn.
Ngược lại, ăn cay sẽ giúp các cơ quan thụ cảm trong miệng tiếp nhận cảm giác nóng rát, khiến vùng dưới đồi điều chỉnh tăng lưu thông máu và khiến cơ thể đổ mồ hôi. Mồ hôi xuất hiện trên trán, mặt, da đầu và cổ ngay sau lần ăn cay đầu tiên, từ đó giảm nhiệt độ cơ thể.
Ngoài tác dụng hạ nhiệt, một số chất có trong ớt cay có thể bảo vệ cơ thể khỏi đột quỵ và tích tụ cholesterol xấu gây bệnh tim mạch. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Anh, cho thấy những người ăn đồ cay 6-7 lần một tuần giảm 14% nguy cơ tử vong so với người ăn ít đồ cay hơn. Ăn nhiều thức cay hơn cũng giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim, hô hấp.
Việc ăn cay còn có một số lợi ích sức khỏe khác. Ví dụ, trong ớt có chất capsaicin, khi bổ sung hàng ngày giúp tăng tốc quá trình trao đổi chất, đốt cháy thêm 200 calo mỗi ngày, kéo dài trong 14 tuần. Một nghiên cứu năm 2022 trên hơn 6.000 người trưởng thành, cho thấy ăn ớt giúp giảm tích tụ canxi trong thành động mạch vành cung cấp máu cho tim.
Tuy nhiên, thức ăn cay cũng gây một số phản ứng tiêu cực với cơ thể. Ăn ớt cay vừa phải an toàn với những người bình thường nhưng không áp dụng với người có vấn đề về dạ dày như viêm dạ dày. Thức ăn cay nhiều có thể gây viêm nhiễm ở các khu vực hỗ trợ tiêu hóa và đôi khi gây ợ nóng, đau bụng hoặc tiêu chảy. Trong một số ít trường hợp, ớt rất cay gây đau đầu như búa bổ hoặc nôn mửa nặng, tổn thương thực quản.
Do đó, mọi người nên tập ăn cay từ từ, không nên ăn quá cay khi vừa mới bắt đầu. Khi ăn cay đến mức độ vừa phải, cơ thể ít tỏa nhiệt và sức chịu đựng với các món ăn tăng lên. Nếu thức ăn quá cay, mọi người có thể dùng thức ăn có hàm lượng chất béo cao để làm dịu, ví dụ sữa hoặc kem chua. Lý do là capsaicin hòa tan trong chất béo, không hòa tan trong nước.
Chi Lê (Theo Channel News Asia)