Trả lời:
D-dimer là xét nghiệm máu đơn giản giúp xác định có tình trạng đông máu hay không. Khi bạn có một vết thương dẫn tới chảy máu, cơ thể tạo ra các sợi protein gọi là fibrin, chúng đan xen với nhau, giữ cục máu đông hình thành tại chỗ cho đến khi vết thương lành lại. Những cục máu đông này có thể xuất hiện dưới dạng vảy trên da hoặc vết bầm tím dưới da.
Khi vết thương lành, cơ thể tạo ra một loại enzyme gọi là plasmin để phá vỡ cục máu đông thành những mảnh nhỏ nhằm loại bỏ nó. Các mảnh này có tên gọi sản phẩm thoái hóa fibrin. D-dimer là một trong những sản phẩm thoái hóa fibrin. Thông thường, chỉ cần một thời gian ngắn là D-dimer biến mất. Nồng độ D-dimer trong máu cao nếu bạn có tình trạng tăng đông máu dẫn tới dễ hình thành huyết khối trong cơ thể.
Khi nghi ngờ người bệnh có một trong các tình trạng sau, bác sĩ chỉ định xét nghiệm D-dimer.
Huyết khối tĩnh mạch sâu: Đây là tình trạng cục máu đông phát triển trong tĩnh mạch sâu trong cơ thể, ngăn chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng máu chảy trong tĩnh mạch. Hầu hết huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra ở cẳng chân, đùi hoặc vùng chậu nhưng cũng có thể xuất hiện ở cánh tay, não, ruột, gan, thận.
Thuyên tắc phổi: Cục máu đông ở một bộ phận khác của cơ thể (thường là chân hoặc tay) trôi theo dòng máu và mắc kẹt trong các mạch máu của phổi gây nhồi máu phổi.
Đông máu nội mạch lan tỏa: Tình trạng này xảy ra khi quá nhiều cục máu đông hình thành trong mạch máu khắp cơ thể, gây tổn thương nội tạng và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Đột quỵ: Một mạch máu trong não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông (nhồi máu não) hoặc vỡ ra (xuất huyết não).
Kết quả xét nghiệm cho biết mức D-dimer của bạn là bình thường, thấp (âm tính) hay cao (dương tính).
Nếu kết quả âm tính, khả năng bạn không bị cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nào đó trong cơ thể. Ngược lại, kết quả dương tính là có tình trạng này. Xét nghiệm D-dimer không thể xác định được vị trí cục máu đông trong cơ thể. Do đó, bác sĩ đề nghị bạn thực hiện các xét nghiệm máu bổ sung hoặc chẩn đoán hình ảnh để phát hiện chính xác bệnh.
Có trường hợp mức D-dimer cao nhưng người bệnh không bị đông máu (dương tính giả). Đó là do một số tình trạng có thể gây ra nồng độ D-dimer cao hơn bình thường, bao gồm thai kỳ, bệnh tim, phẫu thuật gần đây, chấn thương, nhiễm trùng. Nồng độ D-dimer cũng có xu hướng tăng ở người cao tuổi hoặc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |