Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh thường gặp, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các cơ quan thuộc hệ tiết niệu. Bệnh có thể chữa khỏi, nhưng nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm có thể dẫn đến áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết...
Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, nhưng một số nhóm người dưới đây dễ mắc phải.
Nam giới 50 tuổi trở lên
Phì đại tuyến tiền liệt ở đàn ông lớn tuổi có thể chèn ép niệu đạo, khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn khi tiểu. Nước tiểu ứ đọng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Phụ nữ sau mãn kinh
Nồng độ estrogen giảm sau mãn kinh, khiến da, mô giữa niệu đạo và cửa âm đạo mỏng, khô, mất tính axit. Vi khuẩn có hại dễ dàng phát triển và di chuyển từ âm đạo hoặc đáy chậu vào bàng quang.
Theo giáo sư, tiến sĩ Lauren Streicher, Đại học Northwestern (Mỹ), phụ nữ sau mãn kinh dễ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hoặc dai dẳng. Họ có thể nhiễm trùng hai lần trong 6 tháng và hơn ba lần một năm.
Bé trai chưa cắt bao quy đầu
Theo nghiên cứu của Đại học Sydney (Australia), nhiễm trùng thận, bàng quang và niệu đạo xảy ra ở bé trai không cắt bao quy đầu gấp 10 lần so với bé đã thực hiện phẫu thuật này. Các nhà khoa sử dụng dữ liệu của 22 nghiên cứu, công bố năm 1987-2012, với hơn 400.000 nam giới toàn cầu và 1/4 trong đó không cắt bao quy đầu.
Người lớn tuổi
Cơ thể có các vi khuẩn khỏe mạnh giúp chống lại vi khuẩn xấu gây bệnh. Khi chúng ta già đi, các vi khuẩn này, gồm cả ở bàng quang, đường tiết niệu, giảm khả năng chống lại nhiễm trùng. Do lão hóa, cơ sàn chậu yếu đi, khả năng làm trống bàng quang khó khăn hơn. Nước tiểu ứ đọng tạo điều kiện cho vi khuẩn xấu phát triển.
Nghiên cứu của Đại học Yale cho thấy hơn 10% phụ nữ trên 65 tuổi bị nhiễm trùng tiểu mỗi năm. Con số này tăng 30% ở phụ nữ trên 85 tuổi. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu tổng hợp từ Viện Lão hóa Quốc gia và Viện Y tế Quốc gia (Mỹ).
Người bệnh tiểu đường
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng ở đường tiết niệu. Lượng đường trong máu cao là môi trường để vi khuẩn phát triển hoặc di chuyển đến thận. Nhóm bệnh nhân này cũng bị rối loạn cảm giác nên không phát hiện bàng quang đầy.
Một nghiên cứu từ Học viện Karolinska (Thụy Điển) cho thấy hệ miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường có nồng độ psoriasin peptide kháng khuẩn thấp hơn. Điều này làm tổn thương hàng rào tế bào của bàng quang tiết niệu, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục
Phụ nữ có quan hệ tình dục nhiều lần trong tuần dễ nhiễm trùng đường tiểu, do vi khuẩn quanh hậu môn xâm nhập vào niệu đạo. Bên cạnh đó, niệu đạo của nữ giới ngắn hơn nam giới.
Phụ nữ nên vệ sinh sau khi giao hợp, lau từ trước ra sau. Nếu xuất hiện triệu chứng như đi tiểu thường xuyên với lượng nhỏ, cảm giác thôi thúc tiểu liên tục, đau ở trung tâm vùng bụng dưới, nên đến viện khám.
Huyền My (Theo Everyday Health, Health Shots, Cleveland Clinic)