Cơ thể thiếu chất sắt ảnh hưởng đến quá trình sản xuất huyết sắc tố, loại protein mang oxy từ phổi đến tất cả bộ phận của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, suy nhược, khó thở, chóng mặt và da nhợt nhạt.
Hầu hết chất sắt trong cơ thể đến từ một loại protein của hồng cầu có tên là hemoglobin. Do đó, mất máu mạn tính là nguyên nhân chính gây thiếu sắt. Tình trạng này có thể xảy ra ở người có kinh nguyệt nhiều, phẫu thuật, sử dụng thuốc làm loãng máu hay một số tình trạng sức khỏe như bệnh loét dạ dày tá tràng.
Không tiêu thụ đủ thực phẩm giàu chất sắt ở người ăn chay, thuần chay cũng có thể là nguyên nhân. Đôi khi, người dùng sản phẩm bổ sung sắt hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất này nhưng vẫn có rất các yếu tố cản trở sự hấp thu chất này.
Bệnh mạn tính
Một số tình trạng bệnh lý nhất định, chẳng hạn như bệnh celiac, bệnh crohn, có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất sắt từ thực phẩm. Các bệnh mạn tính khác như bệnh thận, ung thư cũng có thể cản trở khả năng lưu trữ sắt đúng cách của cơ thể.
Thường xuyên uống cà phê, trà
Uống cà phê, trà và sữa cũng có thể ảnh hưởng đến hấp thụ sắt, nhất là khi tiêu thụ gần thời điểm bổ sung sắt. Cà phê, trà đều có hàm lượng các hợp chất gọi là oxalate, flavonoid cao gọi là tannin. Tannin cùng oxalat liên kết với sắt tạo thành các hợp chất không có dinh dưỡng, do đó hạn chế hấp thụ và sử dụng sắt. Sữa có chứa casein, canxi cũng trực tiếp làm giảm sự hấp thu.
Người uống sản phẩm bổ sung sắt nên dùng khi bụng đói, trước khi dùng các đồ uống trên 1-2 giờ để không ảnh hưởng đến sự hấp thụ. Thời điểm lý tưởng nhất là vào sáng sớm khi bụng đói, uống cùng nước hoặc nước ép trái cây giàu vitamin C như nước cam.
Dùng một số loại thuốc
Sử dụng một số loại thuốc kháng viêm, giảm đau có thể tác động tiêu cực đến mức độ sắt trong cơ thể. Chúng có thể kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa trên, gây chảy máu nhẹ hoặc nặng, dẫn đến nguy cơ thiếu sắt. Một số loại kháng sinh cũng gây tan máu hoặc phá vỡ tế bào máu, góp phần giảm lượng sắt.
Các loại thuốc và vitamin khác có thể ức chế sự hấp thu sắt nếu dùng chung với chất bổ sung sắt. Người bổ sung chất này nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để hiểu rõ các loại thuốc đang dùng có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ.
Người chạy bộ
Tập luyện cường độ cao như chạy, đi bộ đường dài, nhất là trên mặt đường cứng góp phần phá vỡ tế bào hồng cầu được gọi là march hemoglobinuria. Hiện tượng suy giảm chất sắt này còn gọi là tan máu khi va chạm bằng bàn chân. Chúng xảy ra khi mao mạch ở chân liên tục va chạm trên mặt đất với cường độ dày đặc.
Phụ nữ mang thai, cho con bú
Mang thai, cho con bú, trẻ em, thanh thiếu niên phát triển thể chất nhanh cũng có nguy cơ làm tăng nhu cầu về sắt của cơ thể. Ở phái đẹp, giai đoạn diễn ra kinh nguyệt cũng có nguy cơ tương tự nếu chu kỳ nặng và nhiều.
Xét nghiệm máu có thể cho biết nồng độ chất sắt trong cơ thể. Các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt bao gồm mệt mỏi, đau đầu, móng tay dễ gãy, da nhợt nhạt, hụt hơi, chóng mặt, tăng nhịp tim. Tình trạng thiếu máu kéo dài trong thời gian dài có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn như suy nội tạng, suy tim và suy thận. Người nghi ngờ thiếu sắt nên đi khám dinh dưỡng để phát hiện nguyên nhân và khắc phục kịp thời.
Bảo Bảo (Theo Very Well Healh)
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |