VNExpress

UNG THƯ VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành
Thứ năm, 30/11/2023, 12:00 (GMT+7)

9 món ăn uống giảm nguy cơ tái phái ung thư vú

Rau cải, cam quýt, đậu nành, gừng, quế chứa các hợp chất chống oxy hóa hỗ trợ ngăn khối u ác tính ở ngực phát triển.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ăn ít nhất 2,5 cốc rau (312 g) và hai cốc trái cây (250 g) mỗi ngày giúp phòng ngừa ung thư nói chung. Thêm thực phẩm có đặc tính chống ung thư vào chế độ ăn uống có thể giảm tiếp xúc với thành phần làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Rau họ cải giàu hợp chất lưu huỳnh, có đặc tính chống ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh và giảm khả năng tái phát. Các loại rau có chứa lưu huỳnh gồm bông cải xanh, súp lơ, bắp cải, cải xoăn, cải xoong.

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành có chứa isoflavone hoạt động như chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Trường Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) và một số đơn vị, trên hơn 9.500 người, isoflavone trong đậu nành (một dạng estrogen thực vật) có thể ngăn ngừa ung thư vú nếu được sử dụng trước tuổi dậy thì. Khi được tiêu thụ đậu nành với lượng phù hợp trong suốt cuộc đời, estrogen thực vật giúp điều chỉnh hấp thụ estrogen trong cơ thể, ngăn chặn các thụ thể estrogen - yếu tố tăng phát triển khối u.

Quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi, dâu đen nhiều chất xơ, cung cấp lượng folate (vitamin B9), vitamin C, polyphenol và chất chống oxy hóa cao. Mỗi hợp chất này đều có đặc tính chống ung thư và hữu ích trong việc giảm nguy cơ tái phát bệnh.

Trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, chanh vàng) rất giàuvitamin C, polyphenol và các chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Những hợp chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn hình thành khối u và khả năng ung thư quay trở lại.

Quế có vị ngọt tự nhiên có thể thay thế đường ăn. Nghiên cứu năm 2017 của Viện nghiên cứu độc chất Ấn Độ, trên 231 bệnh nhân ung thư vú, cho thấy chiết xuất ethanol của vỏ cây quế có lợi trong điều trị bệnh này và có thể ngăn sự phát triển, di căn của các tế bào ung thư vú.

Nghệ là gia vị quen thuộc, có nhiều lợi ích trong y học. Theo nghiên cứu năm 2016 của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc), chất cucurmin trong nghệ có thể ngăn chặn ung thư vú bằng cách ngăn ngừa sự mất tế bào T và ức chế các cytokine ức chế miễn dịch, gồm cả yếu tố tăng trưởng biến đổi beta (TGF-β) và interleukin 10 (IL-10) trong quá trình gây ung thư.

Gừng là gia vị phổ biến, có nhiều lợi ích chữa bệnh. Nghiên cứu năm 2107 của Trường Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), cho thấy gừng chứa các thành phần hoạt tính sinh học như gingerol và shogaol có đặc tính chống ung thư vú. Gingerol có thể ức chế sự tăng sinh và di căn của khối u vú ác tính.

Cà phê cũng được chứng minh có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa ung thư vú nhờ có thành phần hóa học là axit chlorogen (CGA).

Nghiên cứu năm 2020 của Trường Đại học Shizuoka chỉ ra CGA là chống oxy hóa giúp chống viêm, chống tạo mạch và hoạt động gây ra apoptosis - chết tế bào theo chương trình.

Trà xanh chứa epigallocatechin galat (EGCG) có khả năng chống lại khối u ác tính. Nghiên cứu năm 2020 của Trường Đại học Shizuoka (Nhật Bản), trên hơn 52.000 người, cho thấy EGCG hoạt động như chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm, góp phần ngăn tế bào khối u tăng sinh.

Người không nhạy cảm với caffeine có thể dùng trà hoặc cà phê vừa phải để tận dụng lợi ích phòng bệnh.

Mai Cat (Theo Very Well Health)

Ảnh: Freepik

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn