Ung thư vú là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ sau ung thư phổi. Theo nghiên cứu của Đại học Payam Noor (Iran), trừ yếu tố di truyền gây ra bệnh không thể ngăn ngừa được, thì một số thói quen sinh hoạt nhất định kết hợp với các chiến lược chăm sóc sức khỏe khác có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y sinh Los Angeles (Mỹ) chỉ ra, những phụ nữ đi bộ nhanh 1-2 giờ mỗi tuần giảm 18% nguy cơ ung thư vú. Hình thức hoạt động không nhất thiết là phải tập gym, bạn có thể khiêu vũ, chơi trò chơi với con cái (rượt đuổi), chơi bất cứ một môn thể thao mà bạn thích và tốt cho nhịp tim.
Bỏ uống rượu
Phụ nữ uống 2 - 5 ly rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 lần phụ nữ không uống rượu. Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị, để ngăn ngừa mắc ung thư vú, phụ nữ nên từ bỏ rượu hoặc không uống quá một ly đồ uống có cồn mỗi ngày. Theo đó, nếu vẫn muốn uống, bạn chỉ nên dùng khoảng 350 ml bia, 150 ml rượu vang hoặc 44 ml rượu chưng cất 80 độ (rượu mạnh) mỗi ngày.
Bỏ hút thuốc
Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Saint Louis (Mỹ), hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, cũng như nguy cơ tái phát ung thư này. Hít phải khói thuốc thụ động cũng được cho là góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Phụ nữ không hút thuốc, bỏ và tránh khói thuốc là cách hữu hiệu ngăn ngừa ung thư vú và bệnh khác.
Chế độ ăn ít chất béo
Một chế độ ăn ít chất béo không chỉ làm giảm nguy cơ béo phì mà còn có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú. Nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Toàn diện Sylvester, Đại học Miami (Mỹ) chỉ ra, phụ nữ béo phì có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn, đặc biệt phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh. Phụ nữ mãn kinh thường có mức estrogen thấp. Thiếu estrogen có thể khiến cơ thể sử dụng tinh bột và lượng đường trong máu kém hiệu quả, dẫn đến tích trữ chất béo nhiều hơn, dễ hình thành các mô mỡ, có thể phát triển khối u lành tính hoặc ung thư.
Thụ thai sớm
Mang thai sớm có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, phụ nữ mang thai và sinh con ngoài 30 hoặc muộn hơn sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Cho con bú
Cũng theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, mang thai và cho con bú có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, cả hai đều làm giảm số chu kỳ kinh nguyệt, tăng tích lũy lượng hormone estrogen nội sinh làm giảm nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, quá trình cho con bú có ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào vú, khiến chúng biệt hóa hoặc trưởng thành để có thể tiết sữa. Những tế bào đã biệt hóa này có khả năng chống biến đổi thành tế bào ung thư cao hơn những tế bào chưa trải qua quá trình biệt hóa.
Kiểm tra vú hàng tháng
Kiểm tra vú hàng tháng có thể không làm giảm nguy cơ phát triển ung thư vú nhưng có thể giúp phát hiện sớm ung thư vú. Bệnh được phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị khỏi càng cao. Chụp Xquang tuyến vú có thể phát hiện bất kỳ khối u nào ở vú mà bạn không sờ thấy được. Phụ nữ từ 40-50 tuổi nên chụp Xquang tuyến vú hàng năm hoặc 6 tháng một lần để tầm soát ung thư.
Tìm hiểu tiền sử gia đình
Tiền sử gia đình mắc ung thư vú làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Nếu người thân trực tiếp (mẹ, chị gái) bị ung thư vú, bạn nên khám tầm soát thường xuyên vì ung thư vú có thể di truyền. Thử nghiệm gene BRCA1 và BRCA2 có thể biết về khả năng mắc ung thư vú của bạn.
Không dùng liệu pháp thay thế hormone
Phụ nữ mãn kinh thường sử dụng liệu pháp thay thế hormone để điều trị các triệu chứng như: teo và khô âm đạo, trào huyết, loãng xương, rối loạn giấc ngủ... Theo Trung tâm Ung thư MD Anderson (Mỹ), dùng liệu pháp thay thế hormone trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư vú. Năm năm sau khi ngừng liệu pháp này, rủi ro mắc ung thư mới giảm xuống. Nếu bạn cần dùng liệu pháp thay thế hormone, hãy cân nhắc với bác sĩ về rủi ro và lợi ích.
Mai Cát
(Theo Very Well Health)