Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý mọi người hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn mặn và đồ uống có đường. Thay vào đó, xây dựng chế độ lành mạnh với nhiều loại rau củ quả sẽ tốt cho sức khỏe. Rau quả còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hỗ trợ phòng ngừa bệnh ung thư.
Tỏi
Tỏi có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư, góp phần ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Lợi ích này do khả năng làm tăng hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK) và đại thực bào (loại tế bào bạch cầu quan trọng đối với khả năng miễn dịch). Mọi người có thể ăn tỏi sống thay vì nấu chín để nhận được nhiều lợi ích hơn.
Nấm
Các loại như nấm hương, nấm sò, nấm maitake có chứa hàm lượng ergothioneine. Đây là một chất chống oxy hóa góp phần bảo vệ tế bào máu, đặc biệt là bạch cầu và tế bào hồng cầu. Bổ sung chất chống oxy hóa này giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, giảm nguy cơ ung thư.
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Advances in Nutrition vào năm 2021 phát hiện những người ăn khoảng 30 g nấm mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn 45% so với những người không ăn. Dữ liệu được các nhà khoa học tại Đại học Y Penn State (Mỹ) phân tích từ 17 nghiên cứu về ung thư, công bố từ năm 1966-2020, với hơn 19.500 bệnh nhân.
Bông cải xanh
Bông cải xanh là nguồn cung cấp sulforaphane, glucosinolate, phenolic và vitamin chống oxy hóa. Ngoài ra, loại rau này còn chứa vitamin C, A, E, K và khoáng chất gồm selen, kẽm, sắt. Những chất dinh dưỡng này chịu trách nhiệm cho các hoạt động chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch.
Jed Fahey, nhà hóa sinh dinh dưỡng tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho biết bông cải xanh có lượng sulforaphane khá lớn. Nó có thể giúp giảm viêm, tăng cường các enzym bảo vệ và loại bỏ các hóa chất gây ung thư. Hợp chất này còn có tác dụng bảo vệ cơ thể, góp phần ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, phổi, gan, dạ dày, ruột...
Cà chua
Cà chua có đặc tính chống ung thư nhờ glycoalkaloid và tomatine. Hai chất này có thể hỗ trợ quá trình điều hòa chu trình tế bào của cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư. Trong đó, lycopene có thể ức chế sự phát triển của khối u ung thư và góp phần chống ung thư tuyến tiền liệt. Ăn cà chua nấu chín giúp cơ thể hấp thu nhiều lycopene có trong loại quả này.
Các loại đậu
Các loại đậu gồm đậu Hà Lan, đậu xanh và đậu lăng rất ít chất béo, giàu protein, nhiều chất xơ không hòa tan, hỗ trợ tiêu hóa và đường ruột khỏe mạnh. Chúng còn chứa các hoạt chất chống ung thư như axit phenolic và anthocyanin - thuộc loại flavonoid có trong thực vật.
Quả mọng
Các loại quả mọng gồm dâu tây, việt quất, mâm xôi... đều có chứa chất phytochemical (anthocyanin). Chất này có khả năng chống ung thư bằng cách làm chậm sự phát triển của các tế bào tiền ác tính, ngăn các mạch máu mới hình thành. Loại quả này còn chứa chất oxy hóa axit ellagic góp phần giảm tổn thương tế bào bình thường và thúc đẩy tế bào ung thư chết trong quá trình xạ trị.
Quả óc chó
Quả óc chó giàu axit béo omega-3, tocopherol, phytosterol và axit ellagic. Các chất này góp phần làm chậm sự phát triển của ung thư vú, tuyến tiền liệt, ruột già và thận.
Táo
Thói quen ăn cả vỏ quả táo giúp bạn bổ sung flavonoid và polyphenol. Những chất chống oxy hóa mạnh này mang lại lợi ích chống viêm và tăng cường miễn dịch. Tiêu thụ càng nhiều flavonoid nguy cơ ung thư phổi càng thấp.
Huyền My (Theo Health, Very Well Health, AARP)