Gout là tình trạng lắng đọng các tinh thể urat (urat natri) hoặc tinh thể axit uric ở các khớp gây viêm khớp. Triệu chứng phổ biến như đau nhức, sưng đỏ, nóng tại các khớp, có thể làm biến dạng hoặc cứng khớp, nhất là các khớp chi dưới như ngón chân cái và cổ chân. Bệnh thường có những đợt kịch phát, tái phát nhiều lần, sau đó có thể trở thành mạn tính.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết chế độ dinh dưỡng của người bệnh gout nên cân đối các nhóm dưỡng chất quan trọng như bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Người bệnh hạn chế thực phẩm chứa hàm lượng purin cao như nội tạng động vật, thịt đỏ, hải sản, măng tây, ớt chuông xanh.
Người bệnh nên bổ sung các loại rau củ có hàm lượng purin thấp, giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa, chống viêm. Nguồn thực phẩm này giúp giảm hấp thụ purin, tăng đào thải axit uric, hỗ trợ giảm phản ứng viêm khớp, góp phần ngăn ngừa bệnh gout bùng phát.
Khoai tây giàu khoáng chất kali, có thể kết hợp với bicarbonate trong máu tạo thành muối kali bicarbonate, làm tăng độ pH trong nước tiểu, tạo điều kiện để hòa tan axit uric, dễ đào thải ra khỏi cơ thể. Khoai tây còn chứa nhiều chất xơ, giúp ức chế quá trình tiêu hóa, hấp thụ purin, góp phần giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh.
Củ cải trắng với 95% trọng lượng là nước, giúp tăng cường lưu lượng chất lỏng chảy qua thận, hỗ trợ cơ thể đào thải axit uric. Củ cải trắng cung cấp nhiều kali, giúp trung hòa hàm lượng axit uric dư thừa trong máu.
Rau cần tây chứa nhiều luteolin, tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, giảm các triệu chứng đau nhức, sưng đỏ, nóng tại các khớp do bệnh gout. Luteolin có khả năng ức chế xanthine oxidasem - enzyme tham gia tổng hợp axit uric. Ăn rau cần tây có thể hỗ trợ kiểm soát nồng độ axit uric trong máu, hạn chế nguy cơ bộc phát bệnh gout.
100 g dưa leo chứa khoảng 7,3 mg purin. Trong khi hàm lượng purin tối đa người bệnh gout có thể tiêu thụ mỗi ngày là 400 mg. Uống nước ép dưa leo với một ít nước cốt chanh vào buổi sáng giúp kiềm hóa nước tiểu, tăng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
100 g cà chua có 16 mg vitamin C, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do, hỗ trợ giảm viêm, sưng do các cơn đau khớp của bệnh gout. Vitamin C còn giúp tăng cường chức năng lọc máu của thận, loại bỏ axit uric khỏi cơ thể, góp phần ngăn ngừa bệnh gout bùng phát.
Bí đỏ cung cấp các chất chống oxy hóa, chống viêm như vitamin C, beta carotene, lutein, cải thiện tình trạng viêm khớp do bệnh gout. Bí đỏ còn chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ làm giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh, góp phần kiểm soát bệnh gout.
Bí xanh (bí đao) chứa nhiều chất chống oxy hóa thuộc nhóm carotenoid có đặc tính chống viêm, cải thiện viêm khớp do thừa axit uric trong máu. Bí xanh cũng chứa hàm lượng cao vitamin C, hỗ trợ giảm nồng độ axit uric trong huyết thanh bằng cách tăng cường đào thải axit uric và urate - một loại muối của axit uric trực tiếp bám quanh khớp, dẫn đến phản ứng viêm.
Bông cải xanh có hàm lượng purin thấp, tương đối an toàn với người bệnh gout. 100 g bông cải xanh có 90 mg vitamin C. Thực phẩm này cung cấp chống oxy hóa, chống viêm, tăng cường đào thải axit uric, giúp người bệnh gout cải thiện triệu chứng viêm khớp.
Bác sĩ Duy Tùng khuyến cáo người bệnh gout nên tái khám, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp, thường xuyên theo dõi nồng độ axit uric, đường, các chỉ số mỡ trong máu. Tăng cường vận động với các bài tập vừa sức, kiểm soát cân nặng hợp lý. Tránh thừa cân, béo phì, rối loạn dung nạp đường huyết, hội chứng chuyển hóa khiến bệnh gout tăng nặng.
Người bệnh có thể bổ sung thêm các dưỡng chất thiên nhiên như eggshell membrane extract (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type II không biến tính và collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate (thành phần chính của cấu trúc nền ngoại bào), turmeric root extract (chiết xuất củ nghệ). Chúng hỗ trợ cải thiện cơn đau, kháng viêm, giảm sưng, tăng cường tái tạo sụn và xương dưới sụn, hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp do bệnh gout.
Trường Giang
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |