Việc hiểu sai về giá trị dinh dưỡng, cách chế biến thực phẩm có thể gây hại sức khỏe. Dưới đây là những sai lầm về thực phẩm mỗi người nên tránh.
Tránh trứng vì hàm lượng cholesterol
Trong một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients, các nhà nghiên cứu phát hiện, trứng không góp phần làm tăng cholesterol. Thực tế, trứng là một nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng gồm kẽm, sắt, chất chống oxy hóa lutein và zeaxanthin, vitamin D, chất hóa học tăng cường trí não choline. Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết, ăn một quả trứng hoặc 2 lòng trắng trứng mỗi ngày là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi người kiểm soát cholesterol bằng cách theo dõi chất béo bão hòa trong chế độ dinh dưỡng.
Dung nạp ít carb để cơ thể khỏe mạnh
Carbohydrate (carb) là một thành phần cơ bản trong thức ăn của con người. Cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất, carbohydrate giúp con người duy trì sự sống, sinh trưởng, phát triển.
Việc lựa chọn các loại carbohydrate lành mạnh từ ngũ cốc nguyên hạt rất quan trọng đối với sức khỏe. Các nghiên cứu trên tạp chí Y khoa Anh cho thấy phụ nữ và nam giới ăn ngũ cốc nguyên hạt ít mắc bệnh tim hơn từ 20-30%. Việc dung nạp thực phẩm có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, tử vong sớm.
Ngủ ngon hơn khi uống rượu
Nhiều người uống rượu vì tác dụng thúc đẩy giấc ngủ. Một ly rượu có thể giúp cơ thể thư giãn, ngủ nhanh hơn. Tuy nhiên, đồ uống này có thể làm gián đoạn giấc ngủ, làm tăng tình trạng tỉnh táo, ngay cả ở những người trưởng thành khỏe mạnh.
Không uống sữa khi bị cảm
Không có bằng chứng kết luận sữa làm tăng sản xuất chất nhầy khi cảm lạnh. Sữa vừa giàu dinh dưỡng vừa chứa nhiều canxi, duy trì xương chắc khỏe, vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi từ thực phẩm. Vì vậy, sữa là thực phẩm giúp cải thiện mật độ xương, giảm nguy cơ gãy xương ở người lớn tuổi. Nghiên cứu cho thấy, việc uống sữa thường xuyên có thể giúp duy trì cân nặng hợp lý. Điều này phần lớn do sự kết hợp hài hòa giữa carbohydrate, protein, chất béo trong thực phẩm.
Ăn chất béo tăng cân và nguy cơ mắc tiểu đường
Chất béo rất giàu calo, phổ biến trong đồ ăn vặt. Tuy nhiên, khi cơ thể duy trì lượng calo nằm trong mức lành mạnh, chất béo sẽ không khiến bạn tăng cân. Ngoài ra, trong nhiều nghiên cứu cho biết, chế độ ăn giàu chất béo lành mạnh nhưng ít carbs được chứng minh có thể làm giảm cân, giúp cơ thể hoạt động bình thường.
Cá béo, sữa nguyên chất béo, bơ, dầu ô liu và các loại hạt là những thực phẩm giàu chất béo giúp cải thiện lượng đường trong máu, mức insulin, có khả năng góp phần chống lại sự phát triển của bệnh tiểu đường.
Nước ép nam việt quất chữa được nhiễm trùng đường tiết niệu
Không có bằng chứng cho thấy nước ép nam việt quất có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs). Tuy nhiên, uống nước trái cây hoặc uống bổ sung thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi lẽ, các hợp chất trong nước trái cây ngăn chặn vi khuẩn gây nhiễm trùng bám vào thành bàng quang.
Các loại hạt cũng không tốt như đồ ăn vặt
Các loại hạt là nguồn cung cấp protein, chất dinh dưỡng khác, mỗi người nên duy trì khẩu phần ăn vừa đủ. Trong một nghiên cứu trên tạp chí Diabetes & Metabolism, tiêu thụ các loại hạt hơn 4 lần mỗi tuần có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 so với những người không ăn chúng thường xuyên. Thực phẩm cũng góp phần bảo vệ sức khỏe trái tim.
Người mắc tiểu đường không ăn đồ ngọt
Người bệnh tiểu đường nên duy trì ăn đồ ngọt ở mức độ chừng mực. Chìa khóa để duy trì mức đường huyết khỏe mạnh là cân bằng bữa ăn chính, đồ ăn nhẹ để cung cấp hỗn hợp carb, chất béo, protein. Đồng thời, người bệnh tập thể dục kết hợp thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu.
Lê Nguyễn (Theo The Healthy)